Nông nghiệp dịch chuyển theo hướng hữu cơ

Thanh Nga| 30/11/2022 09:02

Nông nghiệp Đắk Nông đang dần dịch chuyển theo hướng an toàn, chất lượng cao. Trong đó, có nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, UTZ, 4C... đem lại giá trị cao cho sản phẩm.

ADQuảng cáo

Vựa sầu riêng quy mô 45 ha của trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là một trong số những vườn cây ăn quả đầu tiên của tỉnh được chứng nhận VietGAP.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại cho biết, từ khi được chứng nhận VietGAP, sản phẩm sầu riêng của trang trại đã khẳng định được giá trị vượt trội so với trước.

Trong gần 10 năm qua, sầu riêng của trang trại đã được người tiêu dùng ghi nhận, đầu ra thuận lợi, giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, sản phẩm của trang trại được các đối tác đến tận vườn thu mua với giá cao hơn giá thị trường.

Đắk Gằn là vùng trồng xoài lớn của huyện Đắk Mil, với khoảng 1.000 ha. Thời gian qua, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ xoài Đắk Gằn đã tập hợp nông dân tham gia chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện nay, ngoài việc đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm xoài Đắk Gằn của HTX còn đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Vùng xoài Đắk Gằn đã được cấp mã vùng trồng.

Nhiều diện tích cà phê của Đắk Nông đã được chứng nhận các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch

Ông Hà Quang Đạo, Giám đốc HTX cho biết, nông dân và thành viên HTX hiểu rằng, sản xuất theo quy trình VietGAP vừa bảo đảm sức khỏe cho người trồng, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, lợi ích kinh tế cao hơn.

Nhờ đạt các tiêu chuẩn an toàn, HTX đang xúc tiến để đưa sản phẩm xoài Đắk Gằn xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và các nước châu Âu.

Năm 2021, tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp đạt 13.193 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 38%; tốc độ tăng trưởng khá, đạt trên 4,4%; kim ngạch xuất khẩu đạt 720 triệu USD. Giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân hơn 86 triệu đồng/ha. Thị trường xuất khẩu nông sản của Ðắk Nông gồm 35 quốc gia, vùng lãnh thổ.

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông đang dịch chuyển theo hướng chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể cùng với nông dân, doanh nghiệp đã cùng nhau hành động để đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, thích ứng với tình hình mới trong giai đoạn hiện nay.

Trong đó, nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX đã tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng các quy trình chất lượng cao, gắn với mã vùng trồng, xây dựng nhãn hiệu.

Sản phẩm cà phê của HTX Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Nhiều người dân, doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từ đó, việc xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh ngày càng hiệu quả hơn.

Cũng theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 189 tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, UTZ, 4C..., với 26.000 ha. Trong đó cà phê trên 21.650 ha; lúa trên 630 ha; rau, quả trên 1.012 ha; hồ tiêu 2.259 ha...

Tỉnh đã có 2 vùng sản xuất được cấp mã vùng trồng; đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã vùng trồng cho 6 vùng khác. Toàn tỉnh có 160 sản phẩm nông nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; 47 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, sản phẩm nông sản được chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng, mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý sẽ đem lại nhiều lợi ích, gia tăng hiệu quả kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tỉnh đang khuyến khích các cá nhân, tập thể thay đổi tư duy sản xuất, trong đó chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.

Các cơ quan chuyên môn, chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các cá nhân, tập thể phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp dịch chuyển theo hướng hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO