Nông nghiệp chuyển mình theo hướng chất lượng cao

Thanh Nga| 21/10/2020 09:34

Được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển mình theo hướng chú trọng chất lượng. Đến nay, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng, tăng số lượng vùng nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, qua đó giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định, phát triển...

ADQuảng cáo

Trong 10 năm thực hiện Kết luận 61-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, Hội Nông dân (HND) tỉnh Đắk Nông đã để lại nhiều dấu ấn. Trong đó, HND tỉnh đã tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng sản xuất rộng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo thương hiệu cho nông sản.

Cán bộ HND xã Đắk Gằn (trái) thăm vườn xoài VietGAP của ông Trần Văn Khuông

"Điểm nhấn" thương hiệu xoài Đắk Gằn

Xã Đắk Gằn (Đắk Mil) có diện tích đất đai rộng lớn. Trước đây, nông dân ở Đắk Gằn chủ yếu trồng ngô, sắn và một số hoa màu khác. Tuy nhiên, vùng đất này đa số đất bạc màu, sỏi đá, nên năng suất cây trồng thấp. Hơn 10 năm về trước, một số hộ dân đã tìm hướng chuyển đổi cây trồng sang trồng xoài.

Xoài đem lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng/ha, khiến nhiều hộ dân ở Đắk Gằn chú trọng phát triển cây trồng này. Sau một thời gian, diện tích xoài trên địa bàn xã có thời điểm lên đến cả ngàn ha. Việc phát triển xoài ồ ạt dẫn tới nông dân gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm.

Vùng sản xuất xoài của xã Đắk Gằn, Đắk Mil được chứng nhận VietGAP, với 283,5 ha của 196 hộ nông dân, sản lượng hơn 2.000 tấn/năm. Ảnh: Đức Hùng

Trước thực tế đó, HND tỉnh phối hợp với địa phương khảo sát và tìm cách hỗ trợ nông dân xây dựng vùng sản xuất xoài bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm. Tháng 9/2019, HND tỉnh triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng vùng sản xuất xoài bền vững đạt chứng nhận VietGAP trên địa bàn xã Đắk Gằn và vùng trồng xoài lân cận của tỉnh Đắk Nông”.

Đầu năm 2020, vùng sản xuất xoài của xã Đắk Gằn được chứng nhận VietGAP, với 283,5 ha của 196 hộ nông dân, sản lượng hơn 2.000 tấn/năm. Ngay sau đó, HND tỉnh tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội xoài VietGAP Đắk Gằn để hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển thương hiệu xoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng trao Giấy chứng nhận xoài VietGAP cho HND xã Đắk Gằn

Ông Trần Văn Khuông, thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, cho biết, thời gian qua, đa số hộ dân Đắk Gằn đã áp dụng sản xuất xoài theo quy trình VietGAP, nhưng do chi phí làm chứng nhận khá cao, nên ít người tham gia. Việc HND tỉnh hỗ trợ địa phương xây dựng vùng sản xuất xoài Đắk Gằn đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân không chỉ về kỹ thuật sản xuất, giảm chi phí sản xuất mà còn tập hợp những người trồng xoài vào một hệ thống ổn định. "Chúng tôi hy vọng, HND tỉnh tiếp tục định hướng sản xuất, cung cấp thông tin thị trường và bố trí sản xuất xoài hợp lý, tránh tình trạng thừa - thiếu sản phẩm, dẫn đến việc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Khuông chia sẻ.

ADQuảng cáo

Theo ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch HND xã Đắk Gằn, kiêm Chủ tịch Hội xoài VietGAP Đắk Gằn, ngoài việc giúp nông dân khai thác lợi thế trồng xoài VietGAP, HND tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng, các nhà khoa học triển khai các kỹ thuật sản xuất xoài tiên tiến. Chẳng hạn như mô hình tưới nước nhỏ giọt; quy trình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật đa chủng xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh; xây dựng hệ thống dự trữ nước bằng hệ thống chống thấm bạt ni lông...

Xoài Đắk Gằn được thị trường trong nước ưa chuộng do chất lượng tốt. Sản phẩm xoài ở đây cũng đã xuất khẩu sang các nước (thông qua khâu trung gian). Trong thời gian tới, các cấp HND và Hội xoài Đắk Gằn sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin về thị trường, các kỹ thuật mới, mở rộng thị trường trong nước, trực tiếp xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới để xoài Đắk Gằn thực sự có tên, có tuổi, có thương hiệu trên thị trường.

Tăng số lượng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP

Mới đây, HND tỉnh Đắk Nông cũng hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) xây dựng vùng sản xuất lúa VietGAP lên tới trên 440 ha. Bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý VietGAP của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, bà con có kinh nghiệm trồng lúa hàng chục năm nay và mong muốn sản phẩm lúa gạo của địa phương thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thực tế đó, HND tỉnh đã tích cực hỗ trợ bà con hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận lúa gạo đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thành viên HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) phơi lúa

Sau khi được UBND huyện Krông Nô và HND tỉnh tư vấn, hỗ trợ, HTX và nông dân quyết định chọn trồng những giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt áp dụng vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX lấy mục tiêu cung cấp sản phẩm lúa gạo sạch, ngon để xây dựng thương hiệu.

Ngoài kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận VietGAP, HND tỉnh còn hỗ trợ HTX giống lúa ST24. Đây là một trong những giống lúa được thế giới đánh giá có chất lượng gạo ngon nhất. Năm 2020, HTX đã chọn trồng giống lúa ST24 và đạt năng suất cao, giá bán cũng cao hơn thị trường. Dự kiến, năm 2021, HTX sẽ trồng giống lúa ST25, cũng là giống lúa được đánh giá có chất lượng gạo ngon nhất thế giới vào sản xuất.

Thời gian qua, HND tỉnh đã phối hợp với Công ty viễn thông (VNPT) Đắk Nông hỗ trợ 10.000 tem truy xuất nguồn gốc cho thương hiệu gạo ST25 tại huyện Krông Nô. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương tập trung vào xây dựng thương hiệu gạo ngon Krông Nô.

Những năm gần đây, HND tỉnh đã hướng tới xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, nông dân có điều kiện hình thành các vùng sản xuất rộng lớn và năng động trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Vì vậy, các cấp HND cần tập hợp nông dân tham gia vào các tổ chức như tổ hợp tác, HTX để thuận lợi trong việc hỗ trợ sản xuất, tạo vùng nguyên liệu, thực hành tiêu chuẩn nông nghiệp tốt.

Cũng theo ông Gấm, thời gian qua, HND tỉnh và các cấp hội sẽ tạo điều kiện cho nông dân, các tổ hợp tác, HTX tham gia các hội chợ triển lãm nông nghiệp, thương mại để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp chuyển mình theo hướng chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO