Nông dân từng bước đưa chuyển đổi số vào sản xuất

Thanh Nga| 17/05/2022 10:03

Hiện nay, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã từng bước tiếp cận với CĐS để nâng cao giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

ADQuảng cáo

Nông nghiệp là một trong 3 lĩnh vực kinh tế trụ cột của Ðắk Nông. Lĩnh vực này chiếm trên 37,5% tỷ trọng kinh tế của tỉnh. CÐS là xu thế tất yếu, nhất là trong xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh.

Thời gian qua, Đắk Nông đã đẩy mạnh thực hiện CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh xác định, CĐS là giải pháp nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển nông dân, nông thôn. Trong đó, nông dân là một thành phần quan trọng trong CĐS.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa), thời gian gần đây, ông đã được tiếp cận với CĐS trong sản xuất nông nghiệp. CĐS mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua CĐS, ông được tiếp cận với các thông tin về dự báo nhu cầu thị trường chính xác, dự đoán nguồn cung sản phẩm. Áp dụng công nghệ, CĐS giúp ông giảm thiểu chi phí sản xuất.

"Từ những ưu điểm đó, tôi sẽ áp dụng CĐS trong chăm sóc vườn sầu riêng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả kinh tế", ông Trung chia sẻ.

Nông dân tham quan vườn cây được ứng dụng CĐS trong sản xuất

Theo anh Võ Đình Danh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil (Đắk Mil) nhờ CĐS mà giúp anh giám sát tình trạng cây trồng, vật nuôi liên tục. Thông qua CĐS, anh đã phân tích tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh... để chăm sóc cây trồng tốt hơn.

ADQuảng cáo

CĐS cũng tạo ra nhiều giá trị cho nông nghiệp như chỉ rõ chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo dõi quá trình tăng trưởng, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu và gia tăng kinh tế.

Theo Sở NN-PTNT, quá trình CĐS, nông dân, các HTX, chủ trang trại, doanh nghiệp sẽ ứng dụng thiết bị thông minh vào sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, muốn kết nối, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ thì nhất thiết phải CĐS. Ngoài ra, áp dụng CĐS trong quá trình thu hoạch, chế biến, đóng gói... cũng giúp sản phẩm được bảo quản hiệu quả, có chất lượng tốt và mẫu mã đẹp hơn…

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận với CĐS bằng việc áp dụng các công nghệ, quy trình hiện đại vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ để ngày càng có nhiều nông dân tham gia CĐS. Từ đó, giúp CĐS thành công trong nông nghiệp.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, CĐS là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao giá trị nông nghiệp, mở ra cơ hội nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.

Trong quá trình thực hiện CĐS, nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị. Nông dân phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đưa công nghệ thông tin vào vườn rẫy, vào sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, để thực hiện CĐS trong sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao, nông dân cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành. Riêng Hội Nông dân tỉnh, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thực hiện CĐS trong nông nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân từng bước đưa chuyển đổi số vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO