Nông dân sản xuất sản phẩm có trách nhiệm với xã hội

Thanh Nga| 12/06/2019 10:07

Người tiêu dùng luôn luôn có nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch. Do đó, bên cạnh cơ hội để có thị trường, nâng cao thu nhập, đòi hỏi nông dân sản xuất phải có trách nhiệm với xã hội.

ADQuảng cáo

Lựa chọn sản xuất nông nghiệp tốt

Trái cây là một trong những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng vì bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng lo ngại nếu ăn trái cây bị tồn dư các hóa chất độc hại trong phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Chẳng hạn, nếu sản xuất thông thường, từ lúc ra hoa cho đến lúc thu hoạch, mỗi quả xoài thường phải phun từ 5-10 đợt thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng bao bọc quả thì chi phí giảm khoảng 5 lần và người trực tiếp trồng không bị ảnh hưởng, còn người tiêu dùng được dùng sản phẩm sạch. Vì vậy, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều nông dân lựa chọn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thương trường.

Ông Trần Văn Khuông, thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP

Với những nông dân ở xã Đắk Gằn thì việc trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP là chuyện không còn xa lạ gì. Bởi vì, không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn mà còn góp phần xây dựng “thương hiệu” cho nông sản Đắk Mil.

Ông Trần Văn Khuông, ở thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn hiện trồng hơn 12 ha xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và đây cũng là “bí quyết” làm giàu của gia đình. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường trên 200 tấn quả gồm các loại xoài như Ba mùa, Đài Loan, Thái Lan, thu lợi nhuận từ 5-6 tỷ đồng.

Ông Khuông chia sẻ: “Sản xuất thông thường có thể “bí” đầu ra nhưng theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi khá chủ động về giá cả và tham gia xuất khẩu nên mấy năm nay ổn định. Trước đây, chúng tôi lo vấn đề thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiện nay đã sử dụng bao để bọc trái xoài và bón phân sinh học nên chất lượng quả đẹp, an toàn cho sức khỏe và giá bán cao gấp đôi so với sản xuất thông thường. Đầu năm 2019, Hợp tác xã xoài Đắk Gằn được thành lập và tôi đã trở thành thành viên. Tôi đã xin phép và tổ chức tập huấn cho bà con ở địa phương về kỹ thuật trồng xoài VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm với người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Văn Thư, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn cũng cho biết: Nông dân phải có trách nhiệm xã hội trong việc sản xuất xoài, phải làm ra sản phẩm sạch, bằng cách hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Làm nông nghiệp, nông dân phải tính toán về hiệu quả kinh tế nhưng muốn phát triển bền vững, tạo được uy tín trên thị trường thì sản phẩm phải an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Văn Thư (bên phải), thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) xác định muốn sản phẩm xoài tạo được uy tín trên thị trường thì phải an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng

Vì lương tâm, trách nhiệm

ADQuảng cáo

Với quan điểm về bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, ông Nguyễn Ngọc Vân, chủ trang trại Ngọc Vân ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) chuyên trồng các loại cây ăn trái như cam, quýt, bưởi, mít cũng tuân thủ khá nghiêm ngặt các quy trình sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch. Ông Vân chia sẻ: “Nông dân cần nắm bắt cơ hội trong sản xuất nông nghiệp và cơ hội đó chính là sản xuất nông sản sạch. Gia đình tôi áp dụng tưới nhỏ giọt, sản xuất theo quy trình VietGAP nên thương lái ở các thành phố lớn đến mua sỉ với giá cao. Tôi nghĩ rằng, mình làm kinh tế nhưng cần phải có lương tâm của nhà nông chứ không thể vì lợi nhuận mà làm hại sức khỏe của người dùng sản phẩm do mình làm ra”.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung có 62 ha sầu riêng ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng cho biết, ông từng từ chối cả tỷ đồng khi thương lái muốn thương lượng sau khi thu hoạch nhúng sầu riêng vào thuốc ngay tại vườn để kéo dài thời gian bảo quản. Trong khi đó, sầu riêng của trang trại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, không những bảo đảm an toàn mà đó còn là thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng, không dễ gì xây dựng được.

Anh Hồ Sỹ Thế Dũng, thôn Đắk Sơn 1, xã Đắk Môl (Đắk Song) đầu tư 500m2 rau thủy canh, mỗi ngày thu về khoảng 1 triệu đồng thì chia sẻ: “Rau xanh trồng theo hình thức thủy canh là rau sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện nay, ở các thành phố lớn, người tiêu dùng ngày càng chú trọng sử dụng rau thủy canh. Hiện tại, rau của tôi sản xuất chủ yếu cho các nhà hàng, cửa hàng rau sạch ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng, nông dân không chỉ nắm bắt thị hiếu tiêu dùng hay “lấy mác” mà phải đặt tiêu chuẩn chất lượng thực chất lên hàng đầu thì mới làm ăn lâu dài được”.

Anh Hồ Sỹ Thế Dũng (bên trái) ở thôn Đắk Sơn 1, xã Đắk Môl (Đắk Song) đầu tư 500m2 nhà kính trồng rau thủy canh, với quan điểm đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu

Cần có sự hỗ trợ về nhiều mặt

Từ câu chuyện của ông chủ trang trại Gia Trung có thể thấy, vì lương tâm, trách nhiệm, người sản xuất sẵn sàng từ chối lợi ích trước mắt để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là thương hiệu của mình khó khăn lắm mới xây dựng được. Tuy nhiên, khi trái cây ra khỏi vườn. liệu người tiêu dùng còn được thưởng thức sầu riêng VietGAP nữa hay không thì khó mà biết được. Vì vậy, hiện nay các nhà vườn đã dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Điển hình, ông Trần Quang Đông ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) sản xuất 8 ha măng cụt theo tiêu chuẩn GlobalGAP, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 70 tấn quả được dán tem truy xuất nguồn gốc mang tên Trang trại trái cây Gia Ân. Sản phẩm không chỉ bán cho các vựa trái cây lớn ở các tỉnh, thành mà được xuất khẩu sang Hà Lan.

Sản phẩm của nông nghiệp chính là lương thực, thực phẩm được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến và là nhu cầu thiết yếu của con người. Chính vì thế, con người đặt vấn đề chất lượng sản phẩm nông nghiệp lên hàng đầu vì sức khỏe của mình. Do đó, vai trò, trách nhiệm của nông dân đối với xã hội là rất lớn, phải là chủ nhân thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch. Nhiều nông dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội thông qua việc tổ chức sản xuất nông sản sạch.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, trong quá trình sản xuất, nông dân giữ được uy tín, chất lượng sản phẩm thì mới cạnh tranh được trên thị trường. Không chỉ xuất khẩu sang các nước mà thị trường trong nước cũng đòi hỏi yêu cầu rất cao về chất lượng, sự an toàn của sản phẩm. Vì vậy, nông dân sản xuất phải có ý thức, trách nhiệm với xã hội bằng chính uy tín và đó chính là sự sống còn của nhà nông. Muốn tạo ra sản phẩm tốt và có đầu ra ổn định, nông dân cần tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp lớn để phát triển bền vững. Nông dân phải giám sát nhau, tránh tình trạng một người làm mất uy tín của tập thể.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều nông dân chưa thực hành sản xuất nông nghiệp sạch. Một thực tế nữa đó là nông dân đã áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch nhưng khi sản phẩm ra thị trường, vì lợi nhuận, thương lái lại có những “chiêu trò” như nhúng thuốc bảo quản, làm mất giá trị sản phẩm. Vì vậy, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, bên cạnh có những chính sách xúc tiến thương mại thì cũng cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và nông dân chân chính.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân sản xuất sản phẩm có trách nhiệm với xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO