Nông dân phải có kiến thức, vốn, liên kết sản xuất mới có thể hội nhập!

Thanh Nga thực hiện| 05/04/2019 09:43

Hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một sâu rộng và nông dân cũng phải tích cực vào guồng để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

PV: Thưa ông, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nông dân tỉnh Đắk Nông cần phải trang bị những gì để phát triển sản xuất nông nghiệp?

Ông Hồ Gấm: Tôi cho rằng, nông dân của tỉnh đã tiếp cận được các thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hoạt động tuyên truyền của các cấp, các ngành, trong đó có hệ thống tổ chức Hội Nông dân. Hiện nay, Nhà nước có chính sách tích tụ đất đai và nông dân ở Đắk Nông có diện tích đất khá lớn, trung bình khoảng 1 ha/hộ, nhiều hộ có hàng chục ha. Như vậy, nông dân của tỉnh đã đủ năng lực để sản xuất và cũng chưa “thoát ly” được nông nghiệp.

Với đặc trưng đó, chúng ta cần khuyến khích nông dân tham gia kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết lại với nhau để tạo thành vùng sản xuất tập trung. Nông dân của tỉnh không nhất thiết tích tụ ruộng đất như các vùng khác mà tích tụ bằng cách liên kết cùng nhau để tạo thành vùng sản xuất lớn hơn, cùng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm cùng quy trình, cùng kích cỡ, cùng chất lượng và cùng đàm phán với các đối tác, tạo đầu ra ổn định. Như thế, nông dân sẽ nâng cao được vai trò chủ thể của mình trong phát triển nông nghiệp và hội nhập. Khi nông dân phát huy vai trò chủ thể, làm chủ của mình thì mới bảo đảm được hiệu quả, mới tiến nhanh được.

PV: Thưa ông, trong quá trình hội nhập, nông dân chủ yếu gặp khó khăn về vấn đề gì?

Ông Hồ Gấm: Bây giờ nông dân muốn áp dụng các công nghệ cao, muốn mở rộng quy mô, muốn điều tiết được dòng sản phẩm của mình, nâng cao chất lượng thì buộc phải có vốn đầu tư nhưng hiện nay tiếp cận rất khó khăn. Nông dân có tài sản đó nhưng không thế chấp được, có đất nhưng chưa có giấy chứng nhận, hoặc vay được ít, lãi suất tương đối lớn nên khó sinh lời, khó trả. Do vậy, Nhà nước cần có  chính sách phù hợp hơn, hỗ trợ cho nông dân nhiều hơn thì mới thúc đẩy tiến trình hội nhập của nông dân.

Khi nông dân được công nhận tài sản, làm chủ và tiếp cận được vốn vay thuận lợi thì Nhà nước sẽ đỡ được những gánh nặng về nhiều vấn đề khác như an sinh xã hội, tránh nạn tín dụng “đen”, bảo đảm an ninh…Khi được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, nông dân sẽ dễ dàng hơn trong việc liên kết, hợp tác chung sức để có những dòng sản phẩm chất lượng, uy tín.

ADQuảng cáo

Vấn đề nữa là, từng người nông dân, từng tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động riêng lẻ không thể hội nhập sâu rộng và tốn kém về đầu tư, rườm rà về quản lý. Nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã cần có một hệ thống, một tổ chức hỗ trợ để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Vườn quýt sai trĩu quả của gia đình anh Lê Lai, ở bon Choih, xã Đức Xuyên (Krông Nô) được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Ảnh: Lê Phước

PV: Theo ông hiện nay nông dân cần phải làm gì để nắm bắt cơ hội hội nhập?

Ông Hồ Gấm: Hội nhập có cả thách thức và cơ hội đối với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Muốn nắm bắt cơ hội trong hội nhập, nông dân vừa phải tự chủ nhưng phải giữ được uy tín, chất lượng sản phẩm của mình thì mới mua và bán được. Không chỉ bán ra nước ngoài mới cần có sản phẩm chất lượng mà nông dân hội nhập ngay chính với người dân trong nước. Bởi thị trường và người tiêu dùng trong nước cũng muốn sử dụng sản phẩm chất lượng.

Vì thế, thị trường trong nước cũng đòi hỏi có chất lượng và nông dân sản xuất phải có trách nhiệm với xã hội bằng chính uy tín và đó là sự sống còn của mình. Nếu sản xuất mà không theo quy trình, không bảo đảm chất lượng thì sẽ không bền vững được. Không thể nói do người ta buộc mình phải sản xuất sản phẩm tốt mà tự mình phải tạo ra sản phẩm tốt, có uy tín thì mới phát triển lâu bền.

Nông dân phải làm chủ sản phẩm của mình, có quyền quyết định sản phẩm do mình làm ra thì mới có giá tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân phải cùng  giám sát lẫn nhau chặt chẽ để tránh tình trạng một vài người làm mất uy tín của cả tập thể. Bởi thị trường ngày nay việc giám sát chất lượng rất chặt chẽ, không thể làm ăn qua loa, gian dối được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân phải có kiến thức, vốn, liên kết sản xuất mới có thể hội nhập!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO