Nông dân Hưng Bình phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Hồng Thoan| 22/05/2019 09:39

Trồng tiêu trên cây trụ sống, sử dụng cân đối các loại phân bón, chăm sóc hợp lý là những biện pháp cụ thể mà nông dân xã Hưng Bình (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) đang triển khai để sản xuất hồ tiêu bền vững, tránh tình trạng trồng - chặt trong điều kiện giá hồ tiêu xuống thấp.

ADQuảng cáo

Cùng với Đắk Sin, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) trước đây từng được ví là “vựa tiêu” của tỉnh. Cao điểm có lúc diện tích tiêu của Hưng Bình lên đến khoảng 1.000 ha. Giai đoạn này giá cả sản phẩm tiêu cao nên nhiều hộ nông dân khá giả và giàu lên từ cây hồ tiêu. Tuy nhiên, từ năm 2000, xuất hiện dịch bệnh trên cây tiêu khiến diện tích loại cây này trên địa bàn ngày càng giảm.

Tuy nhiên, khác với trước đây, nông dân trên địa bàn đã thực hiện việc trồng tiêu theo hướng bền vững, áp dụng khoa học kỹ thuật và tuân thủ qui trình chăm sóc chặt chẽ. Hầu hết bà con đều dùng phân hữu cơ và vi sinh để bón cho tiêu, không dùng phân hóa học tràn lan như trước đây.

Vườn hồ tiêu của ông Nguyễn Đăng Phục thôn 3, Hưng Bình trồng bên cây trụ sống, năng suất đạt 3 tấn/ha

Hộ ông Nguyễn Đăng Phục, ở thôn 3 là một ví dụ. Trước đây gia đình ông trồng rất nhiều tiêu. Việc trồng và chăm sóc ông chỉ học theo kinh nghiệm những người đã trồng trước mình, sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên cây tiêu dễ bị bệnh, chết, năng suất có năm cao nhưng có năm mất mùa. Những năm gần đây, ông đã áp dụng các biện pháp canh tác hồ tiêu hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Theo đó, ông trồng hơn 1 ha hồ tiêu bằng nguồn giống uy tín, sử dụng trụ sống như keo, muồng để tạo sinh thái vườn ổn định, chống nắng hạn. Mùa mưa, ông cắt tỉa vườn tạo sự thông thoáng, khơi thông dòng chảy để vườn không ngập úng. Gia đình bón phân cân đối giữa phân hóa học với hữu cơ nên giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 1/2 so với trước. Với cách chăm sóc này, cây tiêu của gia đình ông phát triển tốt với sức đề kháng cao, năng suất ổn định hơn, khoảng 3 tấn/ha. Với mức giá hiện nay, khoảng 45.000 đồng/ kg, gia đình cũng thu về khoảng 135 triệu đồng/1ha hồ tiêu.

Ông Phục khẳng định: "Tuy mức giá hồ tiêu giảm sâu so với trước nhưng tôi vẫn có lãi vì tiết kiệm được chi phí, do đó tôi không có tâm lý chặt bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác".

Gia đình anh Tống Đăng Kỷ, ở bon Châu Mạ cũng canh tác hơn 1 ha hồ tiêu. Trước đây, anh có tâm lý làm cỏ sạch sẽ cho vườn tiêu nhưng hiện chỉ vệ sinh vườn một cách thông thoáng, cỏ ở gốc được nhổ bằng tay. Dọc bờ ranh anh dùng máy cắt cỏ gọn gàng chứ không phun, xịt làm chết cỏ hàng loạt như trước. Theo anh Kỷ, việc hạn chế tối đa phun thuốc trừ cỏ còn giúp bảo đảm sức khỏe cho gia đình, bảo vệ được các sinh vật có lợi và nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, vệ sinh.

Theo ông Trần Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Hưng Bình, để giúp nông dân, ngoài việc quan tâm phát triển đội ngũ khuyến nông ở cơ sở, địa phương còn tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên môn tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu ngay tại các thôn, bon. Bên cạnh đó, xã cũng tranh thủ “kéo” các mô hình trình diễn về địa phương để nông dân có thể “tận mắt” học tập các kỹ thuật, giống mới, từ đó dễ dàng áp dụng vào vườn, rẫy nhà mình. Hiện nay, hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của xã, nên các thôn, bon, đoàn thể, hội đang tích cực phổ biến Quy trình kỹ thuật quản lý “bệnh chết nhanh, chết chậm” hại hồ tiêu, do Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp - PTNT ban hành năm 2016. Nhờ vậy, năng suất hồ tiêu bình quân của xã đạt mức cao nhất huyện với 2,3 tấn/ha, nhiều hộ đạt mức 3-4 tấn/ha. Hiện nay, địa phương đang tập trung vận động, hỗ trợ nông dân thành lập các nhóm, tổ, hợp tác xã về sản xuất hồ tiêu bền vững gắn với bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Hưng Bình phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO