Nông dân Đắk Song “tiêu” vì tiêu

Quốc Sỹ| 16/10/2018 16:32

Khoảng từ đầu tháng 9 trở lại đây, tại các vùng trồng hồ tiêu ở huyện Đắk Song, người dân như ngồi trên đống lửa vì cây tiêu đang nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Hàng trăm hộ dân đang lâm vào cảnh mất trắng, nợ nần chồng chất. Nhiều hộ đứng trước nguy cơ “tiêu tùng” vì tiêu chết.

ADQuảng cáo

Cây tiêu chết quá nhanh

Nhìn vườn hồ tiêu xơ xác, chết khô, ông Nguyễn Văn Thu, thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) chua xót cho biết, cách đây 5 năm, thấy giá hồ tiêu cao, gia đình đã phá bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng 1.400 trụ hồ tiêu. Ngoài nguồn vốn tích lũy, gia đình ông đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 250 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cho vườn cây. Năm ngoái, hồ tiêu cho thu bói thì giá cả  “lao dốc”. Năm nay bắt đầu vào vụ thu chính thì bỗng dưng vườn tiêu vàng lá rồi chết sạch. Từ thời điểm tiêu có hiện tượng vàng lá đến khi chết khô diễn ra chỉ khoảng một tuần khiến gia đình không kịp trở tay. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đã tiêu tan. Bây giờ tiêu chết, gia đình ông chưa biết lấy tiền đâu ra để trả nợ và kiến thiết lại vườn cây.

Cây tiêu trên địa bàn Đắk Song bị vàng lá, cháy lá và chết khô chỉ trong một thời gian ngắn

Cạnh rẫy nhà ông Thu, hơn 1.700 trụ tiêu năm thứ 7 của gia đình ông Nguyễn Hữu Hương cũng chết khô. Bà Là (vợ ông Hương) cho biết, hiện tượng tiêu chết bắt đầu từ khoảng giữa tháng 8 trở lại đây. Ban đầu, hồ tiêu xuất hiện tình trạng cháy nửa lá, sau đó vài ngày thì vườn cây chết rũ toàn bộ. Để cứu vườn tiêu, gia đình cũng mời các kỹ sư về tư vấn và mua gần 50 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng không hiệu quả. “Gia đình bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư, chưa kịp thu hồi vốn thì vườn cây chết sạch. Trắng tay rồi!”, bà Là rơm rớm nước mắt.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’drung ngao ngán cho hay: Trên địa bàn thôn có khoảng 700 ha hồ tiêu. Những năm trước đây, giá hồ tiêu tăng cao và ổn định nên người dân ồ ạt phát triển, bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn. Hệ lụy là dịch bệnh bùng phát làm nhiều diện tích hồ tiêu chết ồ ạt, cùng với hồ tiêu liên tục rớt giá khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần. Qua thống kê ban đầu, trên địa bàn thôn đã có hàng trăm ha tiêu nhiễm bệnh và chết. Nhà ít thì vài trăm trụ, nhà nhiều lên đến cả chục héc ta. Tiêu chết, nợ nần ngân hàng nhiều nên đến nay, trong thôn đã có 3 hộ bỏ nhà đi khỏi địa phương. Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền, các ngành chức năng sớm có giải pháp và chính sách hỗ trợ để bà con vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Gần 10 ha tiêu đã bị chết rụi, ông Mai Văn Trọng ở xã Thuận Hạnh chỉ còn cách nhổ trụ và xếp thành đống để bán

Tại xã Thuận Hạnh, nhiều hộ dân cũng lâm vào hoàn cảnh bi đát khi tiêu chết hàng loạt. Gia đình ông Mai Văn Trọng, thôn Nghĩa Thuận, xã Thuận Hạnh có gần 10 ha tiêu trồng đến năm thứ 4. Trước mùa mưa năm nay, diện tích tiêu đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi mưa vừa dứt được hơn một tuần, trời nắng gắt là lúc nhiều diện tích tiêu chết hàng loạt. Gia đình ông đã mời nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên nông nghiệp về để chữa trị nhưng đều vô hiệu. Các kỹ sư nông nghiệp đều khẳng định cây tiêu bị nấm chết. Theo ông Trọng thì hiện tại, gia đình chỉ bất lực nhìn tiêu chết mà không biết làm gì.

Tích cực “cứu chữa” nhưng khó “cứu vãn”

ADQuảng cáo

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song, toàn huyện có hơn 15.200 ha hồ tiêu, chiếm khoảng một nửa diện tích tiêu của toàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có gần 1.700 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh (chết nhanh, chết chậm, bệnh đen lá tiêu…); trong đó có 209 ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết nhiều tập trung ở các xã Nâm N’Jang, Đắk N’Drung, Trường Xuân, Thuận Hạnh, Thuận Hà. Dự báo, thời gian tới, diện tích hồ tiêu chết có thể tăng lên rất nhanh vì ở một số khu vực, nhiều diện tích hồ tiêu đang có dấu hiệu lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Người dân huyện Đắk Song đã phải cưa bỏ hàng ngàn trụ tiêu bị chết

Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song xác định, hiện tượng hồ tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt là do năm nay thời tiết ở tỉnh ta mưa quá nhiều. Điều này dẫn đến cây tiêu bị nhiễm nhiều loại nấm (phytophthora sp, Pythium…), vi khuẩn, tuyến trùng. Ngoài ra, nhiều diện tích hồ tiêu còn bị úng nước. Mặt khác, trong canh tác, nhiều bà con quá lạm dụng các loại phân bón không phù hợp, thuốc bảo vệ thực vật không đúng theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

Hiện nay, Phòng  Nông nghiệp huyện Đắk Song đang triển khai một số giải pháp để khống chế dịch bệnh lây lan trên cây hồ tiêu, nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại cho người dân. Trước hết, đơn vị triển khai hướng dẫn bà con cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Đối với những trụ tiêu đã chết thì gom lại tiêu hủy đúng cách. Phòng còn hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ, hiệu quả quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm, chết hại thông qua các biện pháp canh tác như: cắt tỉa cây che bóng, khai thông mương thoát nước vào mùa mưa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách...

Phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song khuyến cáo nông dân không nên trồng lại cây hồ tiêu ngay trên diện tích đất hồ tiêu vừa bị chết mà nên trồng cây cà phê, hoặc các loại cây ăn trái. Quá trình trồng tiêu, người dân cần lựa chọn chân đất cho phù hợp và nên trồng xen canh với các cây trồng khác để trách thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung (bên phải) đang thống kê diện tích cây tiêu của người dân trong thôn bị chết

“Phòng đang tiếp tục thống kê diện tích tiêu bị nhiễm bệnh và bị chết để báo cáo UBND huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT sớm có giải pháp hỗ trợ xử lý tình trạng dịch bệnh đang lan rộng trên cây hồ tiêu. Cùng với đó, tham mưu cho UBND huyện đề xuất UBND tỉnh có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Nông chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ cho các nông hộ để bà con vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất” - ông Vinh cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung khẳng định, gia đình ông cũng bị chết hàng trăm gốc tiêu. Ông đã mất khoảng 20 triệu tiền mua các loại thuốc về để chữa trị nhưng vô hiệu. Sau đó, ông nhổ bỏ tiêu chết, đào thêm hố trong vườn để trồng cà phê. Đối với trụ tiêu sống, ông để lại lấy lá để nuôi dê. Ngoài ra, vợ chồng ông còn tích cực phát triển chăn nuôi gia cầm để ổn định thu nhập. Ông Thiện ví von rằng: bệnh tiêu chết nhanh như người bị mắc “ung thư giai đoạn cuối”. Và thực tế thì hình như chưa ai chữa được căn bệnh quái ác này. Do đó, ông rất mong muốn các chuyên gia, kỹ sư ngành Nông nghiệp cần sớm tìm ra giải pháp để cứu vãn tình trạng tiêu chết nhanh hàng loạt này.

Theo ngành Nông nghiệp Đắk Song, hiện tại các ngành chức năng, chính quyền các cấp và người dân đang nỗ lực cứu chữa tình trạng tiêu chết. Tuy nhiên, mọi sự cố gắng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cây tiêu vẫn đang trên đà chết lây lan rất nhanh. Chính quyền địa phương cũng đang rất đau đầu và lo lắng cùng người dân trước tình trạng này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Đắk Song “tiêu” vì tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO