Nông dân Đắk Song chủ động chăm sóc cà phê trong mùa mưa

Nguyễn Lương| 22/06/2015 16:40

Huyện Đắk Song có diện tích cà phê gần 25.000 ha. Thời điểm này, khi thời tiết chuyển sang mùa mưa, nông dân trên địa bàn đã, đang tập trung ra vườn chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng.

ADQuảng cáo

Người dân xã Trường Xuân cào bồn cà phê trước khi bón phân

Toàn xã Trường Xuân có 2.000 ha cà phê, những ngày vừa qua, nông dân đã tập trung cào bồn, bón phân cho cây cà phê. Theo bà Nguyễn Thị Thao, ở thôn 4, xã Trường Xuân, vào mùa mưa, độ ẩm tăng cao nên sâu bệnh rất dễ phát sinh và gây hại cho cà phê. Trong đó, bệnh rệp sáp hại cành và chùm quả non là chủ yếu. Nếu không chủ động phòng bệnh hiệu quả thì sẽ bị rụng quả, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm, thời điểm này, gia đình bà Thao tập trung vào các khâu như cào bồn, vặt bớt chồi non để tạo sự thông thoáng cho cây. Vào khoảng cuối tháng 6, gia đình sẽ tập trung bón phân để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

Theo lãnh đạo UBND xã Trường Xuân, so với mọi năm, mùa mưa năm nay đến khá muộn, với lượng mưa cũng ít hơn. Tuy nhiên, không thể vì thế mà địa phương lơ là trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh trên cây cà phê.

Theo đó, đối với những vườn cà phê mới chớm bệnh, xã khuyến khích bà con phun thuốc, tránh trường hợp để cà phê bị nhiễm bệnh nặng rồi mới phun vì vừa tốn chi phí mua thuốc, vừa không có hiệu quả. Ngoài ra, địa phương luôn lưu ý bà con sử dụng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật thích hợp, nhằm bảo vệ những quả cà phê còn non.

ADQuảng cáo

Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại, vừa qua, xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân. Thông qua các lớp tập huấn này, người dân đã được trang bị thêm nhiều kiến thức về các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, từ đó, áp dụng vào vườn cà phê của gia đình.

Tương tự, tại xã Nâm N’Jang, ngoài việc bón phân, tỉa bớt chồi non, nhiều nông dân đã chú trọng đến việc phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh cho cây trồng.

Anh Lê Trung Kiên, ở thôn Đắk Kuâl 4 chia sẻ: “Vào thời điểm này, khi cây cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả non, nếu gặp những điều kiện bất lợi như sâu bệnh, ánh sáng kém, độ ẩm cao thì nguy cơ rụng trái rất lớn. Để ngăn chặn hiện tượng này, ngay từ đầu mùa mưa, tôi đã chú trọng phòng bệnh cho vườn cà phê của gia đình”.

Ông Điểu G’Rơn, Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drung cho biết: Cà phê là cây trồng chủ lực của nông dân tại địa bàn. Hàng năm, cứ bắt đầu vào mùa mưa, địa phương luôn chỉ đạo các thôn, bon hướng dẫn, vận động người dân triển khai các biện pháp chăm sóc cây cà phê. Ngoài việc cào bồn, bón phân, phun thuốc phòng chống một số loại bệnh thông thường thì giải pháp hạn chế rụng quả non đầu mùa mưa luôn được địa phương chú trọng. Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng cao, ít có tác dụng phụ đã được cán bộ xã giới thiệu đến bà con. Qua đó, địa phương, các tổ chức đoàn thể giúp người dân trang bị kiến thức, lựa chọn thuốc, sử dụng liều lượng phù hợp.

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, vào mùa mưa, độ ẩm thường tăng cao nên nguy cơ sâu bệnh phát triển, gây hại cây trồng rất lớn. Để giúp nông dân chăm sóc tốt cây trồng, cũng như nâng cao sản lượng cà phê vào cuối vụ, cán bộ Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện đã phối hợp với các xã thường xuyên vận động bà con phải nạo vét, xới bồn, bón phân. Ngoài quy trình bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho cây, cũng như các kỹ thuật chăm sóc, địa phương còn lưu ý nông dân cần phải giữ được bộ lá sạch bệnh bằng các biện pháp bảo vệ thực vật. Việc lựa chọn, phun thuốc bảo vệ thực vật từ khi mới bị sâu bệnh để tránh tình trạng lây lan trên diện rộng cũng được xã vận động bà con thực hiện thường xuyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Đắk Song chủ động chăm sóc cà phê trong mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO