Nỗi niềm với giống cây trồng (kỳ 2): Những hệ lụy vì cây giống kém chất lượng

Phan Tuấn| 29/07/2021 08:32

Thực tế đã có rất nhiều người dân mua phải cây giống kém chất lượng, không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng về trồng. Sau nhiều năm, cây trồng kém phát triển, không mang lại hiệu quả kinh tế, dẫn đến thiệt hại khá nặng nề.

ADQuảng cáo

Thiệt hại nặng nề

Các loại cây công nghiệp, cây ăn trái có chi phí đầu tư rất cao, trải qua chu kỳ chăm sóc kéo dài từ 3-5 năm mới cho thu hoạch. Do đó, nếu mua phải cây giống kém chất lượng, hậu quả mà người dân phải gánh chịu là rất nặng nề.

Sau 6 năm chăm sóc, vườn bơ giống ngoại nhập của ông Thắng không mang lại kết quả

Những ngày qua, ông Cao Qúy Thắng, ở huyện Krông Nô, đang ngậm ngùi cưa bỏ cành cây của hơn 2 ha bơ đã trồng được 6 năm tuổi. Nguyên nhân là vườn bơ tuy tốt tươi, nhưng không cho quả.

Ông Thắng cho biết, cách đây 6 năm, ông đến các điểm kinh doanh cây giống lớn trên địa bàn để mua 500 cây bơ Booth7, Pinkerton, hass, lamb hass, reed… về trồng.

Qua 6 năm chăm sóc, đợi chờ, nhưng cả vườn bơ hầu như chẳng có quả nào. Qua tìm hiểu ông mới biết, các giống bơ ông trồng đều là giống nhập ngoại. Các giống bơ này hầu như chưa được cơ quan chức năng công khai, đánh giá, khảo nghiệm ở Đắk Nông.

"Nếu tính chi phí công chăm sóc, tiền phân bón, lãng phí đất đai… thì gia đình tôi ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng”, ông Thắng buồn bã cho biết.

Ông Thắng phải cắt bỏ toàn bộ cành bơ để ghép chồi bơ 034, hy vọng cứu vãn được tình thế

Tương tự, vừa qua, 11 ha hồ tiêu của ông Nguyễn Văn Việt, ở huyện Đắk Song, bị cháy vàng, chết đứng cùng một lúc. Theo ông Việt, thời điểm “sốt" hồ tiêu, gia đình ông đã phát triển loại cây trồng này bằng mọi giá.

Gia đình ông tự tìm mua giống tiêu tại các cơ sở buôn bán cây giống trên địa bàn về trồng. Khi đi mua giống tiêu, ông được các chủ cơ sở cây giống chào mời, cam kết chất lượng, nên không mảy may nghi ngờ.

Thế nhưng, sau khi trồng chưa được bao lâu, vườn tiêu bắt đầu rũ lá, héo vàng và chết. Gia đình đã mời một số chuyên gia về cứu chữa vườn tiêu, nhưng không thành công.

Các chuyên gia cho biết, ông đã mua phải giống hồ tiêu bị nhiễm bệnh “chết nhanh, chết chậm”. Đến lúc này, ông được biết, trên địa bàn tỉnh chưa có vườn tiêu đầu dòng. Quy trình sản xuất giống tiêu đều tự phát, thủ công, chưa được kiểm định chất lượng.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Nam, ở huyện Tuy Đức, đã đầu tư cả trăm triệu đồng để trồng xen 200 cây mắc ca trên diện tích khoảng 1 ha. Sau 10 năm chăm sóc, anh Nam mới biết vườn mắc ca có nhiều loại giống khác nhau.

Bởi trong vườn có nhiều cây ra hoa, lá khác biệt nhau hoàn toàn. Chính sự khác biệt giữa các dòng giống, nên vườn mắc ca của anh Nam cây thì cho quả nhiều, cây thì rất ít hoặc không có quả.

Sau 10 năm, gia đình anh mới thu được hơn 1 tấn quả mắc ca. Kết quả này là không tương xứng với công sức, tiền của mà gia đình anh bỏ ra, nếu không muốn nói là thất bại.  

ADQuảng cáo

Một vườn bơ giống ngoại của người dân rất xanh tốt, nhưng không có quả

Có nên "tự bơi" với cây giống?

Với kinh nghiệm 10 năm trồng mắc ca, anh Nguyễn Văn Nam, xã Quảng Trực (Tuy Đức) đã không còn ngờ nghệch trong việc đi mua cây giống, nhất là loại giống trôi nổi ngoài thị trường.

Những năm gần đây, gia đình anh tự mình sản xuất giống mắc ca. Anh theo dõi những cây mắc ca sinh trưởng vượt trội, ra hoa, đậu quả nhiều để chọn làm giống.

Gia đình anh thu hoạch quả từ những cây mắc ca này rồi ươm, tạo giống. Anh cũng  tập trung chăm sóc những cây mắc ca khỏe mạnh, có tố chất tốt rồi lấy chồi ghép cho những cây kém chất lượng hơn.

Từ những cách làm này, anh Nam đã cải tạo vườn mắc ca của mình một cách hiệu quả. Đến nay, vườn mắc ca của anh đã cho quả đồng đều, phát triển khỏe mạnh.

Tương tự, ông Cao Qúy Thắng, ở huyện Krông Nô, tiến hành ghép chồi cải tạo cho hơn 2 ha bơ booth, bơ hass bằng loại bơ 034. Ông Thắng cho biết, gia đình phát triển hơn 2 ha bơ đã 6 năm nay. Thế nhưng, vườn bơ hầu như không ra hoa, đậu quả.

Đến nay, gia đình ông đành đặt mua chồi bơ 034 từ những vườn bơ chất lượng rồi đem về ghép cải tạo. Với cách làm này, ông hy vọng cứu vãn được vườn bơ của mình.

Nhiều giống hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm làm cho nông dân thiệt hại nặng nề

Chỉ riêng việc ghép cải tạo vườn bơ, gia đình ông đã tốn kém thêm khoảng 30 triệu đồng. Gia đình còn phải chăm sóc và chờ thêm 2 năm nữa mới biết được có hiệu quả hay không.

Theo một số chuyên gia nông nghiệp, trong bối cảnh thị trường cây giống thật giả lẫn lộn, việc người dân tự tạo ra các loại giống cây trồng cũng là một giải pháp hay, đem lại hiệu quả tích cực.

Người dân có thể lựa chọn những cây trồng có ưu điểm vượt trội, có chất lượng tốt trong vườn để nhân giống. Bởi việc phát hiện những cây trồng vượt trội để nhân giống cũng là một trong những phương pháp tạo giống trong nông nghiệp.

Theo Tiến sỹ Trần Vinh, Quyền Viện Trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cách làm này góp phần lưu giữ và phát triển nguồn gen quý đối với các loại cây trồng. Tuy nhiên, muốn nhân giống theo cách này với số lượng lớn, người dân cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng.

Khi đó, cơ quan chức năng sẽ có sự đánh giá, công nhận cây vượt trội thành cây đầu dòng. Từ đó, bà con có thể phổ biến trong sản xuất, tạo nên những dòng sản phẩm cây giống có chất lượng.

Theo Nghị định số 94 của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây như: Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng; có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng...

>>Kỳ 3: Siết chặt khâu quản lý

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm với giống cây trồng (kỳ 2): Những hệ lụy vì cây giống kém chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO