Nỗi niềm với giống cây trồng

Phan Tuấn| 28/07/2021 09:22

Hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đang diễn ra phức tạp, thiếu độ tin cậy. Tình trạng này tồn tại trong nhiều năm qua, và đã có những thiệt hại khá lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Nếu không kịp thời được chấn chỉnh, đưa vào hoạt động nền nếp, ngành nông nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Trào lưu giống cây "độc, lạ"

Do giá cả nhiều loại nông sản truyền thống bấp bênh, nên nhiều người dân đã lựa chọn những giống cây trồng thuộc diện "độc, lạ", để phát triển kinh tế. Họ muốn tạo ra những sản phẩm "không đụng hàng", dễ tiêu thụ, có hiệu quả cao. Thế nhưng, hầu hết những giống cây trồng "độc, lạ" đều chưa được nghiên cứu, khảo nghiệm thực tế... nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bày bán giống mắc ca chưa được khảo nghiệm, đánh giá mức độ phù hợp với tiểu vùng khí hậu của địa phương

"Sốt" cây giống ngoại lai

Bước vào mùa mưa, người dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuống giống các loại cây trồng. Thời điểm này, các cơ sở kinh doanh giống cây trồng nhập về nhiều số lượng, chủng loại cây giống để phục vụ bà con.

Trong đó, nhiều giống cây trồng thuộc diện "độc, lạ", ngoại lai như mít Thái, bưởi da đỏ, vú sữa hoàng kim, sầu riêng Musang King, sầu riêng Muang Thong, na Thái, bơ hass, bơ pink, tiêu Ấn Độ… được các cơ sở kinh doanh cây giống tung ra thị trường cung cấp cho người dân.

Theo tìm hiểu, những loại cây giống này đều không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được cơ quan chức năng tổ chức khảo nghiệm, đánh giá tại Đắk Nông. Do đó, hầu hết cây giống được bày bán ẩn chứa rất nhiều rủi ro về chất lượng. Khả năng thích nghi với đất đai, môi trường ở Đắk Nông cũng là một câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Có mặt tại một điểm kinh doanh cây giống ở huyện Đắk Mil, chúng tôi chứng kiến có rất nhiều giống cây trồng khác nhau như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, mắc ca, bưởi, na, mít…

Chị H., chủ điểm kinh doanh cây giống này đã có nhiều năm hoạt động trong nghề kinh doanh cây giống, làm ăn rất uy tín. Thấy chúng tôi dừng chân bên vựa cây giống sầu riêng, chị H. liền tư vấn, mời chào về giống sầu riêng Musang King.

Chị H. cho biết, đây là giống sầu riêng có nguồn gốc, xuất xứ từ Malaysia. Loại sầu riêng này cho quả thơm ngon, hiệu quả sản xuất rất cao. Giống sầu riêng này được nhiều người tìm mua. Tuy nhiên, khi được hỏi về vườn cây đầu dòng, kết quả khảo nghiệm ở địa phương, chị H chỉ lắc đầu không biết!.

Mít Thái là giống cây trồng ngoại lai được nhiều người dân mua về trồng với diện tích lớn

Còn anh H, chủ một cửa hàng bán cây giống ở huyện Đắk Song cho biết, năm nay, giá cây giống hồ tiêu tăng cao, nhu cầu mua cây giống cũng gia tăng đột biến. Để đáp ứng thị trường, đầu mùa mưa, anh đã chuẩn bị khá nhiều cây giống hồ tiêu.

Theo anh H, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa có vườn cây hồ tiêu đầu dòng. Do đó, anh chỉ tuyển chọn dây từ những vườn tiêu có năng suất cao, bảo đảm sạch bệnh để ươm giống. Anh H cũng không quên giới thiệu cho chúng tôi những loại giống hồ tiêu có nguồn gốc nước ngoài, chưa được khảo nghiệm như: slilanca, amazon…

Anh H khẳng định, những giống hồ tiêu nước ngoài có hạt to, chuôi dài, năng suất vượt trội so với các giống tiêu khác. Những giống hồ tiêu này số lượng có hạn, nếu ai muốn mua đều phải đặt hàng trước.

Theo cơ quan chức năng, không riêng gì giống sầu riêng, hồ tiêu, hiện nay những giống cây trồng thuộc diện "độc, lạ", ngoại lai như: na Thái, mít Thái, bơ hass, bơ pink, chanh leo Colombia, ổi Rubi ruột đỏ, đào Nhật… cũng đều chưa được kiểm chứng, khảo nghiệm tại Đắk Nông.

Đồ họa: N.T

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, những loại giống cây trồng chưa qua quá trình khảo nghiệm, đánh giá mà bán ra thị trường sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã thường xuyên đưa ra những khuyến cáo cho người dân không nên ồ ạt trồng những giống cây "độc, lạ". Tuy nhiên, việc làm này chỉ mang tính chất cảnh báo chứ không thể bắt buộc được.

Bởi hiện nay, rất nhiều người dân đang phát triển sản xuất không tuân thủ theo quy hoạch, định hướng hay khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp. 

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp và PTNN, trên toàn tỉnh có 350.000 ha đất phát triển nông nghiệp. Hiện nay, người dân trên toàn tỉnh đã phát triển được 137.000 ha cà phê, 32.000 ha hồ tiêu, 26.000 ha cao su, 15.000 ha điều, 4.500 ha sầu riêng, 4.500 ha bơ, 1.600 ha mắc ca, 1.600 chanh dây…

Mạo hiểm với cây giống

Những năm qua, các loại cây công nghiệp, cây ăn trái như bơ, cà phê, hồ tiêu, điều… đang rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Tình trạng này khiến nhiều người dân phải chuyển đổi cây trồng, tìm kiếm nguồn thu mới.

Nhiều cơ sở kinh doanh giống cây trồng nắm bắt được xu thế này để đưa ra thị trường những cây giống "độc, lạ". Kèm theo đó là những thông tin quảng cáo về cây giống một cách hào nhoáng, mỹ miều để thu hút người mua, nhưng thiếu cơ sở khoa học.

Mới đây, anh Nguyễn Phước Thiện, huyện Đắk R’lấp, vừa xuống giống 100 cây sầu riêng Musang King. Anh Thiện cho biết, những năm qua, sầu riêng luôn cho giá bán cao, dao động từ 50.000 – 90.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.

Do đó, anh đã quyết định mua 150 cây sầu riêng Musang King về trồng xen canh trong vườn cà phê. Theo anh Thiện, anh đã bị chủ vườn kinh doanh cây giống "mê hoặc" bởi giống sầu riêng hoàn toàn mới lạ có tên Musang King.

Một người dân vừa trồng xen sầu riêng Musang King trong vườn cà phê

Chủ vựa cây giống luôn khẳng định về chất lượng sầu riêng Musang King. Thế  nhưng, trên bao bì loại giống sầu riêng này lại không có kẹp chì, không ghi nguồn gốc xuất xứ... theo quy định. Mặc dù vậy, trước lời quảng cáo của chủ vườn, anh vẫn mua về trồng.

Sầu riêng phải mất từ 4 - 5 năm chăm sóc mới cho ra trái. Chỉ khi cây có trái mới đánh giá được chất lượng, tính hiệu quả của nó. "Nếu mua phải loại giống không bảo đảm chất lượng, tôi sẽ bị thiệt hại rất lớn", anh Thiện chia sẻ.

Nhiều năm nay, giá mắc ca tăng cao và ổn định ở mức trên 100.000 đồng/kg. Do đó, ông Vũ Minh Tiến, huyện Tuy Đức, đã quyết định trồng mới hơn 1 ha mắc ca, tạo nguồn thu mới.

Theo ông Tiến, khi đi mua cây giống mắc ca, ông được các chủ vườn ươm giới thiệu rất nhiều loại khác nhau như: OC, 246, 816, 849, 695, 900, 842, 800, H2, A38, A16, QN1...

Ông đã quyết định mua 250 cây mắc ca với nhiều dòng giống khác nhau về trồng. Ông hy vọng, vườn mắc ca sẽ phát triển tốt, cho hiệu quả sau này.  

Theo ông Tiến, hiện nay, cơ quan chức năng chưa công bố giống cây mắc ca nào phù hợp với tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Do đó, ông đã trồng nhiều dòng giống mắc ca khác nhau thay vì chỉ "đặt cược" vào một dòng giống.

Ông thừa nhận, trồng mắc ca như hiện nay sẽ rất mạo hiểm. Vì mắc ca phải đợi đến 5 – 7 năm sau mới ra trái và khi đó mới biết được hiệu quả hay không.

"Nếu trong vườn có nhiều giống mắc ca không phù hợp thì gia đình tôi sẽ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thậm chí sau này gia đình tôi còn tốn tiền, công sức cải tạo lại vườn tược", ông Tiến chia sẻ.

Cây sầu riêng Musang King xuất xứ Malaysia chưa được đánh giá khảo nghiệm đang "sốt" trên thị trường

Theo Tiến sỹ Trần Vinh, Quyền Viện Trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều giống cây trồng chưa được đánh giá, khảo nghiệm.

Đối với những giống cây trồng như vậy, mức độ thành công cũng mang tính chất may rủi, khó lòng khẳng định ngay được. Do đó, để tránh thiệt hại, người dân nên phối hợp với cơ quan chức năng khi phát triển cây trồng.

Đối với những loại giống cây mới, người dân nên phát triển với số lượng ít, quy mô nhỏ để có sự đánh giá, kiểm chứng. Sau đó, nếu cây trồng phù hợp, hiệu quả, bà con có thể mở rộng sản xuất.

"Cách làm này hơi phức tạp, chậm tiến độ sản xuất, nhưng lại chắc chắn hơn. Bà con đánh giá được tính hiệu quả và quan trọng nhất là tránh được rủi ro, thiệt hại", Tiến sỹ Vinh chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm với giống cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO