Nỗi lo cây giống kém chất lượng (kỳ 2): Nông dân phải tự cứu mình trước khi được bảo vệ

Phan Tuấn| 22/08/2019 09:17

Hiện nay, cơ quan chức năng chưa có cách quản lý hiệu quả thị trường cây giống. Do đó, người dân nên chọn mua giống cây trồng ở những đơn vị được cấp phép, có đầy đủ điều kiện được sản xuất, kinh doanh cây giống để tránh hậu quả đáng tiếc.

ADQuảng cáo

Cây giống được sản xuất từ Trung tâm Sản xuất và Giống cây trồng Ekamat có nhãn mác trên bao bì và có hóa đơn

Chưa có cách quản lý hiệu quả

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, đối với hạt giống, cây giống trước khi trồng phải được phép lưu hành sử dụng và phải trải qua công tác khảo sát, khảo nghiệm, phân tích, đánh giá về điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng vùng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, có nhiều loại cây trồng, hạt giống chưa qua công đoạn này. Thậm chí, có nhiều loại giống được nhập lậu hoặc mua bán trôi nổi trên thị trường. Mặt khác, việc cung cấp cây giống đang diễn ra theo kiểu chộp giật. Cứ đến mùa vụ, thấy nhu cầu sử dụng cây giống trong nhân dân tăng cao thì nhiều người đã tranh thủ buôn bán cây giống.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây nông nghiệp. Do đó, nhiều người dân cũng mặc sức sản xuất, kinh doanh, buôn bán cây giống mà không sợ bị xử lý. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn trà trộn những cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng và cung cấp cho người tiêu dùng để kiếm lời bất chính, nhưng vẫn không được cơ quan nào ngăn chặn, xử lý.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra chỉ được thực hiện tại các cơ sở có giấy phép kinh doanh, sản xuất cây giống. Còn đối với những cơ sở không có giấy phép kinh doanh thì các cơ quan chức năng không được phép thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, thanh tra (đối với những cơ sở có giấy phép), cơ quan chức năng chủ yếu kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ của cây giống là chính. Còn về chất lượng cây giống thì cũng rất khó để xác định. Bởi vì, muốn biết chất lượng của cây giống, cơ quan chức năng buộc phải gửi mẫu đi xét nghiệm. Cung đoạn này là rất lâu và khá phức tạp... Vin vào những "khe hở" này, các cơ sở chưa đăng ký kinh doanh cây giống đã "vô tư" làm ăn mà không cần phải lo ngại bất cứ điều gì.

ADQuảng cáo

Do chưa có chế tài đủ mạnh để quản lý, nên hiện nay cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động người dân sản xuất, kinh doanh cây giống đúng quy định, bảo đảm chất lượng mà thôi. Thế nhưng, việc tuyên truyền, vận động cũng chỉ là "muối bỏ biển", vì lợi ích kinh doanh cây giống hiện nay là rất lớn, nên người dân không dễ gì tiếp thu.

Người dân lựa chọn cây giống tại một cơ sở kinh doanh cây giống tại Gia Nghĩa

Nông dân phải tự cứu mình trước

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Lâm nghiệp và cây ăn quả (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết, để có nguồn giống chất lượng, hiệu quả, khâu quản lý giống bắt buộc phải được thực hiện một cách chặt chẽ. Đối với những loại cây có thể nhân giống vô tính như: mắc ca, cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng... cơ quan chức năng phải quản lý từ các vườn cây đầu dòng. Chỉ những vườn được phê duyệt mới được dùng để lấy hom, ghép và sử dụng để sản xuất cây giống. Những cây con khi lấy từ nguồn giống được công nhận, cũng phải được cơ quan chức năng đến thẩm định và cấp chứng nhận, rồi mới được lưu thông thị trường. Chúng đều phải được gắn nhãn mác theo quy định hẳn hoi thì mới bảo đảm chất lượng.

“Trước mắt, người nông dân phải tự cứu mình trước. Khi mua cây giống, nông dân cần tự bảo vệ mình bằng việc tìm đến các đơn vị cung ứng giống bảo đảm uy tín, nguồn giống có xuất xứ rõ ràng. Lúc mua bán giống, phải có hóa đơn, chứng từ hoặc cam kết bảo đảm chất lượng. Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý thật mạnh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống kém chất lượng. Có như thế mới chấm dứt được tình trạng sản xuất, kinh doanh cây giống không có chất lượng”, ông Cường cho biết.

Hiện nay, toàn tỉnh  có 6 cây bơ được công nhận là bơ đầu dòng trên địa bàn huyện Đắk Mil, bao gồm 4 cây của của 4 hộ dân ở thị trấn Đắk Mil, 2 cây của 2 hộ dân ở xã Đức Mạnh và xã Đắk Sắk. 6 cây bơ đầu dòng đều đã được cấp mã hiệu và xác định vị trí địa lý cụ thể, đang được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp-PTNT và các chủ hộ chăm sóc, quản lý, bảo tồn, khai thác hợp lý. Đặc biệt, các cây bơ đầu dòng này sẽ góp phần cung cấp một số lượng chồi ghép đáng kể phục vụ việc nhân giống phát triển sản xuất của nông dân trong và ngoài địa bàn. 

Bên cạnh cây bơ thì tỉnh hiên nay còn có vườn cà phê dây của bà Trần Thị Kim Mỹ, trú tại xã Thuận An (Đắk Mil) được công nhận là cây đầu dòng. Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát, vườn cà phê dây của bà Mỹ đã trồng được trên 20 năm. Cà phê dây có nhiều ưu điểm như: năng suất cao (trung bình 6-8 tấn/ha), chống chọi sâu bệnh tốt, có khả năng chịu hạn trong thời gian dài, nhân to, chậm thoái hóa...

Về lời khuyên cho nông dân, ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh cho biết, để giảm rủi ro khi mua giống cây trồng, người dân nên đến những đại lý lớn được cơ quan chức năng cấp phép để tìm mua những loại cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mặt khác, người dân khi mua giống cần chú ý những loại giống cây trồng được phép lưu hành và cung ứng trên thị trường. Tốt nhất người dân nên mua các loại giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép, chứng nhận. Những loại giống chưa được cấp phép là do chưa đủ tiêu chuẩn lưu hành và bà con không nên sử dụng nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo cây giống kém chất lượng (kỳ 2): Nông dân phải tự cứu mình trước khi được bảo vệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO