Những mùa lũ đã qua

Ghi chép của Văn Tâm| 22/06/2016 10:41

Khi mặt sông dập dềnh nước, từ đêm đến sáng, đồng ruộng đã trắng xóa lũ từ thượng nguồn đổ về nên phải lo chạy lũ. Thế nhưng, sau trận lũ, năm sau đó, người dân lại đón một mùa bội thu. Vậy mà đã nhiều năm rồi, những vùng trũng dọc bờ sông Krông Nô không còn thấy lũ xuất hiện.

ADQuảng cáo

“Sống chung với lũ”

Những năm về trước, mưa lũ đã thành thông lệ, thành quy luật tự nhiên của vùng đất này. Sau những tháng mùa khô nắng như vắt kiệt, nung giòn từng lớp phù sa, thớ đất mỡ màu của vùng đất ven sông thì mùa mưa về, nước sông lại tràn lên, lũ thượng nguồn đổ về bồi đắp thêm cho ruộng đồng. Cũng chính vì vậy mà cuộc sống của những cư dân “vùng bán sơn địa” ở các xã Nâm N’đir, Đức Xuyên, Quảng Phú… trông có vẻ giống như những làng chài ở Trung bộ. Đến thăm nhà nào cũng bày biện đủ thứ ngư cụ chuyên nghiệp trong nghề sông nước.

Ông Võ Thành ở xã Đức Xuyên cho biết: “Tôi sống ở đây đã gần 30 năm rồi, những năm trước đây, lũ lụt là chuyện thường tình đối với người dân nơi đây. Lũ lớn thường tập trung vào tháng 7 – 8 âm lịch, người ta gieo trồng sớm để tránh lũ nên thiệt hại không nhiều. Nhưng mưa lũ cũng mang lại nhiều nguồn lợi đáng kể, khi đã xong chuyện đồng áng, tôi lại tranh thủ đi giăng câu, đánh lưới bắt cá nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào”.

Ông Nguyễn Văn Phước ở xã Nâm N’đir, một lão nông quanh năm bám đất, bám đồng giải bày: “Cứ đến mùa lũ thì ai cũng lo lắng. Lo vì lũ về bất ngờ thì không tránh khỏi thiệt hại về hoa màu, nhà cửa, đường sá và cả tính mạng con người nữa. Nhưng sau mỗi đợt lũ, một lượng phù sa màu mỡ cũng theo về bồi đắp cho ruộng vườn, nguồn nước dồi dào còn góp phần làm vệ sinh đồng ruộng nên những mùa vụ sau đó người dân thường trúng mùa lớn”.

Còn nhớ mùa lũ năm 2006, hay tin lũ về nhấn chìm cánh đồng xã Buôn Choáh, chúng tôi cùng với các cán bộ của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT) tức tốc đi về để cùng người dân địa phương “chống lũ”.

Trên chiếc ca nô chồng chềnh vượt qua dòng nước cuồn cuộn chảy để đến nơi có một số hộ dân chưa kịp di dời, dưới dòng nước là hàng chục ha ngô của bà con đang thu hoạch dở dang bị ngập chìm bởi dòng nước đục ngầu. Trong biển nước cuồn cuộn, mênh mông, chúng tôi không biết dòng sông Krông Nô giờ nằm ở đâu dưới con thuyền. Đợt ấy, lũ về trong 3 ngày, hơn 10 hộ dân trở về nhà cũ, hơn chục ha ngô bị thiệt hại trên 70%...

ADQuảng cáo

Theo bà con nơi đây, cơn lũ lịch sử ấy thiệt hại  thì đã rõ, nhưng mức thiệt hại ấy không bằng lợi ích của lũ mang về; nếu không có lũ bồi đắp thêm phù sa thì đất ruộng trở nên cằn cỗi, cây trồng phát triển kém.

Ruộng đợi phù sa

Gần 5 năm trở lại đây, vùng đất này không còn thấy những đợt lũ đáng kể nào xuất hiện. Trong khi đó, các cánh đồng trong vùng được canh tác liên tục. Cứ đều đặn mỗi năm 3 vụ, khiến cho đồng ruộng và bãi bồi không còn màu mỡ như trước. Vì vậy, đời sống của người dân gặp khó khăn.

Đất canh tác trên các bãi sa bồi ngày một cằn cỗi do thời gian nắng nóng kéo dài ngay trong mùa mưa. Ảnh: Văn Tâm

Cũng theo ông Võ Thành thì trước đây, bà con trồng ngô, đậu và gieo lúa trên các cánh đồng hoặc bãi bồi dọc theo dòng sông ít bỏ ra khoản chi phí mua phân bón phục vụ sản xuất, nay khoản chi phí này tăng lên, nhưng năng suất, sản lượng vẫn không cao, thậm chí còn bấp bênh nữa là đằng khác. Nhiều người dân trong vùng còn cho biết thêm, mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ sâu hại cũng tăng gấp đôi so với trước. Hằng năm, người dân luôn phải đối phó với các đợt bùng phát nạn châu chấu, chuột, ốc bươu vàng… xuất hiện nhiều hơn. Ngoài ra, nhiều loại cá không thể tồn tại và phát triển vì môi trường sống suy giảm....

Những biến đổi này là do dòng chảy Krông Nô thay đổi. Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông cho thấy, trong các ngày từ giữa tháng 7 đến tháng 8 hằng năm (kể từ năm 2009), lưu lượng dòng chảy của sông Krông Nô từ 50-60m3/giây giảm xuống còn 2-3m3/giây. Và dù trong những tháng mùa mưa, khi thủy điện Buôn Tua Sarh tích nước thì dòng chảy của sông Krông Nô vẫn trong tình trạng kiệt nước. Đây chính là nguyên nhân gây xáo trộn ở phía hạ lưu, làm ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện canh tác của người dân vùng hạ lưu.

Nói về việc cây trồng kém phát triển, đồng ruộng cằn cỗi, mức đầu tư cao hơn... không có nghĩa là người dân mong muốn cho những cơn lũ xuất hiện. Nhưng theo các nhà khoa học thì nếu tách rời lũ lụt ra khỏi bối cảnh phát triển và công tác quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan thì sẽ làm tăng thiệt hại và có thể làm thất bại mục tiêu giảm nghèo và các chiến lược thích ứng khác. Đây chính là điều mà chính quyền địa phương và người dân Krông Nô đang quan tâm và tìm giải pháp cân bằng để kiểm soát lũ nhằm giảm thiểu những thiệt hại, mang lại hiệu quả về kinh tế cho địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mùa lũ đã qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO