Những hương vị mới từ cây dược liệu ở Đắk Glong

Thanh Hà| 13/01/2022 09:25

Trồng cây dược liệu đang trở thành hướng phát triển kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều người dân tại huyện Đắk Glong.

ADQuảng cáo

Chiều về, một nhóm người đi xe máy đến HTX Dược liệu An Phúc Khang, thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) để bán củ nghệ bọ cạp. Phần lớn họ là người đồng bào thiểu số tại chỗ.

Chị H’Ang, một người dân trên địa bàn cho biết, cách đây ít năm, gia đình chị được tìm hiểu về giống nghệ bọ cạp. Sau khi mua giống, chị đưa về trồng vào các phần đất trống xen trong rẫy cà phê. Sau khoảng 1 năm rưỡi, chị thu hoạch nghệ, đóng thành từng bịch 10 kg để bán cho HTX, với giá 50.000 đồng/kg.

Chị H’Ang là một trong số nhiều hộ dân ở Đắk Ha trồng nghệ bọ cạp xen trong rẫy. Hầu hết các gia đình này mua giống của HTX Dược liệu An Phúc Khang và được cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đến vụ thu hoạch, họ tự đưa nghệ đến HTX để bán.

Việc sản xuất, chế biến dược liệu tạo việc làm cho nhiều lao động tại xã Đắk Ha

Nghệ bọ cạp chỉ là một trong rất nhiều loại dược liệu đang được HTX An Phúc Khang thu mua. Ngoài các loại dược liệu trồng, HTX cũng thu mua nhiều loại dược liệu có nguồn gốc từ tự nhiên có ở địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Băng, Chủ tịch HTX Dược liệu An Phúc Khang, cách đây ít năm, gia đình bà đã chuyển hướng từ kinh doanh nội thất sang dược liệu. Ban đầu, gia đình chỉ thu mua, sơ chế, bảo quản các loại dược liệu trong tỉnh để cung cấp cho các nhà máy, nhà thuốc.

Ít lâu sau, khi đã có đối tác, gia đình bà mở rộng địa bàn, thu mua cả trăm loại dược liệu trong nước. Thấy dược liệu có thể trở thành hướng làm kinh tế tốt, bà Băng vận động các thành viên lân cận cùng tham gia.

Nhiều loại cao dược liệu, tinh dầu được HTX Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha chế biến, đưa ra thị trường tiêu thụ

ADQuảng cáo

Tháng 3/2020, HTX Dược liệu An Phúc Khang được thành lập. Từ đó tới nay, HTX đã mở rộng vùng trồng nguyên liệu trong và ngoài tỉnh lên đến cả trăm ha và tạo ra việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Từ khi thành lập tới nay, HTX đã nhận được nhiều hỗ trợ về chính sách, kinh phí, máy móc của các cấp chính quyền. Hiện tại, HTX Dược liệu An Phúc Khang đã chế biến được 22 loại sản phẩm cao dược liệu và tinh dầu. HTX đang ươm cả trăm giống dược liệu trong vườn để thử nghiệm tính tương thích với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.

Bà Băng chia sẻ: "HTX đang cung cấp giống và ký kết bao tiêu sản phẩm các loại dược liệu tại địa phương. Mục tiêu mà HTX mong muốn là tạo thêm việc làm, giúp xã viên và người dân nâng cao thu nhập".

Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ha Hoàng Văn Đồng cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn đã thử nghiệm trồng các loại cây dược liệu và đạt được kết quả khá tích cực.

Một số đơn vị, cá nhân đầu tư máy móc hiện đại để bảo quản, chế biến dược liệu

Một số đơn vị còn đầu tư máy móc, nhà xưởng, công nghệ để chế biến dược liệu, qua đó tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Dược liệu đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương.

Theo UBND huyện Đắk Glong, địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng. Ngoài Đắk Ha, nhiều đơn vị, cá nhân tại xã Quảng Sơn cũng đã phát triển dược liệu và nhận được những tín hiệu vui.

Thời gian tới, nếu được đầu tư bài bản, tạo được chuỗi liên kết, dược liệu có thể "đánh thức" tiềm năng, thế mạnh đất đai, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hương vị mới từ cây dược liệu ở Đắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO