Nhiều nông dân Cư Jút chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm

Lê Phước| 16/04/2020 08:57

Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã chủ động đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước, công lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Giữa tháng nắng hạn, rẫy hồ tiêu của gia đình anh Bùi Xuân Vụ, thôn 8, xã Cư K’nia (Cư Jút) vẫn xanh mướt. Trong lúc nhiều gia đình khác đang vất vả tìm nguồn nước tưới cho cây trồng, anh Vụ chỉ cần sập cầu dao điện, hệ thống tưới tự động lập tức phun sương, tưới đẫm nước cho từng gốc tiêu.

Anh Bùi Xuân Vụ, ở thôn 8, xã Cư K’nia đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn hồ tiêu rộng hơn 1 ha

Cách đây 3 năm, vợ chồng anh Vụ khoan giếng và đầu tư hệ thống đường ống tưới tiết kiệm cho hồ tiêu. Với kinh phí gần 3 triệu đồng/1 sào, gia đình anh đã phủ kín đường ống tưới nước tiết kiệm trên rẫy tiêu hơn 1ha. Theo anh Vụ, việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động chỉ tốn kém ban đầu, nhưng có rất nhiều lợi ích. Điều dễ thấy nhất là giảm công lao động, thời gian làm việc và tiết kiệm nước.

Nếu như tưới truyền thống, mỗi đợt tưới gia đình anh sẽ tốn ít nhất 2 công lao động và thời gian tưới 1ha từ 6 - 8 giờ. Nhưng đối với hệ thống này, chỉ cần 1 người là có thể vận hành các van khóa để tưới cho rẫy hồ tiêu, với thời gian ngắn hơn rất nhiều. Đặc biệt, tưới tiết kiệm chỉ tốn tầm 1/3 lượng nước so với cách tưới truyền thống trước đây.

ADQuảng cáo

Rẫy tiêu của gia đình anh Vụ được trồng trên nền đất đá, nên nếu tưới tràn, nước sẽ thoát rất nhanh. Trong khi đó, đường ống này có đầu phun nhỏ, áp lực đồng loạt nên nước tưới đều vào gốc, khi đạt độ ẩm thì có thể ngưng tưới. Nước phun vào xung quanh gốc cây chứ không văng ra khu vực khác nên không thất thoát, lãng phí. Điều rất tiện lợi là ngoài tưới nước, hệ thống này có thể sử dụng để tưới phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, cùng thôn 8, xã Cư K’nia, đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn tiêu hơn 2 ha. Sau nhiều năm, chị Thúy nhận thấy việc tưới nhỏ giọt cho cây tiêu không những giảm thiểu lượng nước thất thoát mà còn tiết kiệm điện, công lao động. Sau vụ thu hoạch vừa rồi, gia đình chị Thúy đã chuyển đổi từ tiêu sang trồng mít, điều. Hiện chị Thúy vẫn sử dụng hệ thống này để tưới cho cây trong vườn để nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, ở thôn 8, xã Cư K’nia tiết kiệm được nhiều công lao động nhờ đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt

Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút cho biết, thời gian gần đây, nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn tìm hiểu, đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 50 ha cây nông nghiệp của người dân tại các xã Cư K’nia, Nam Dong và Đắk Wil... đang sử dụng hệ thống tưới này. “Việc người dân đầu tư, mở rộng tưới nhỏ giọt thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nông dân địa phương. Với chi phí đầu tư chưa đến 4 triệu đồng/sào, nông dân có thể tiết kiệm được nhiều ngày công lao động, tiết kiệm nguồn nguyên liệu đầu tư cho sản xuất. Điều quan trọng nhất là hệ thống này sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm trong tình hình thời tiết nói chung, hạn hán nói riêng diễn biến phức tạp như những năm gần đây”, ông Sơn cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K’nia, cách đây vài năm, giá hồ tiêu lên cao, nên nhiều hộ dân tự tìm hiểu, đầu tư tưới nước nhỏ giọt cho vườn cây. Cách tưới này đang phát huy hiệu quả khi tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm ngày công và nâng cao giá trị sản xuất. Theo thống kê sơ bộ của xã, trên địa bàn có gần 20 ha cây nông nghiệp của người dân đang sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nông dân Cư Jút chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO