Nhiều hộ dân ở Quảng Khê “chốt” cà phê non với giá thấp

Phan Tuấn| 24/05/2016 10:29

Để giải quyết những khó khăn về mặt tài chính, mua vật tư đầu tư cho cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) thường tìm đến các chủ đại lý thu mua nông sản, kinh doanh phân bón để “chốt” bán cà phê với giá thấp. Thậm chí, không ít hộ gia đình còn sẵn vay “nóng” với lãi suất cao để nhanh chóng có tiền giải quyết việc riêng.

ADQuảng cáo

Nhiều năm nay, chị H’Ben ở thôn 1, xã Quảng Khê đã quen với việc “chốt” bán cà phê với giá thấp để có tiền mua phân bón, tái đầu tư cho 1,2 ha cà phê của gia đình.

Chị H’Ben cho biết: “Do không có tiền, trước vụ thu hoạch, gia đình tôi đã phải “chốt” 5 tạ cà phê với giá 20.000 đồng/kg để lấy phân bón chăm sóc cho vườn cà phê. Thời điểm vào vụ thu hoạch cà phê cũng là lúc gia đình tôi phải thanh toán số nợ trên. Khi đó, cho dù giá cà phê có ở mức cao như thế nào đi nữa thì gia đình tôi cũng phải thanh toán 5 tạ cà phê, chứ không được quy ra bằng tiền theo thời giá hiện tại để trả nợ”.

Theo chị H’Ben, mặc dù biết làm như vậy là thiệt thòi rất lớn, nhưng gia đình chị không còn cách nào khác để duy trì sự phát triển của cây cà phê. Nếu không chăm sóc thì vườn cà phê này cũng nhanh chóng bị hư hại. Thực tế, vườn cà phê 6 năm tuổi của gia đình chị H’Ben phát triển chậm, mỗi vụ chỉ thu về được khoảng 1 tấn cà phê nhân. Vì vậy, với việc thường xuyên “chốt” cà phê với giá thấp và mức lãi suất cao nên gia đình cứ luẩn quẩn trong vòng khó khăn, đói nghèo.

Hỏi chuyện về việc các hộ dân đang vay “nóng” hoặc “chốt” cà phê với giá thấp, ông K’Bang, Trưởng thôn 1 xác nhận, đây là việc rất phổ biến đối với nhiều người dân trong thôn. Hiện nay, toàn thôn có khoảng 80-90% hộ dân tìm đến hình thức “chốt” cà phê với giá thấp để có tiền giải quyết công việc gia đình hoặc đầu tư cho cây trồng.

Ông K’Bang ở thôn 1, xã Quảng Khê “chốt” cà phê với giá thấp để lấy phân bón về đầu tư cho cây trồng

ADQuảng cáo

Ông K’Bang nói: “Chẳng đi đâu xa, hàng năm gia đình tôi đều phải tìm đến các đại lý trên địa bàn xã “chốt” cà phê với giá thấp hoặc vay mượn với lãi suất cao để xử lý công việc. Chỉ riêng như vụ mùa năm nay, mặc dù mới ra quả non, nhưng gia đình đã vừa “chốt” 2 tạ cà phê với giá 20.000 đồng/kg, để lấy 4 triệu đồng mua phân bón, chăm sóc cho vườn cà phê của gia đình. Nếu gia đình không trả bằng cà phê mà thanh toán lãi trước thì sẽ chịu mức lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (lãi suất 180%/năm). Với việc đang gặp nhiều khó khăn về tài chính để lo cho con cái ăn học thì gia đình tôi đang nghĩ tới việc sẽ “chốt” thêm cà phê với giá thấp”.

Theo ông K’Bang thì gia đình ông có 2,5 ha cà phê, nhưng do việc chăm sóc chưa bài bản nên mỗi năm chỉ thu về được khoảng 2,5 tấn cà phê nhân. Hiệu quả kinh tế từ vườn cà phê không cao, trong khi gia đình có nhiều người, nhất là có tới 4 đứa con đang đi học nghề nên tốn kém nhiều. Lực bất tòng tâm, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, để xử lý nhanh công việc, gia đình ông buộc phải tìm đến một số đại lý thu mua nông sản, buôn bán phân bón trên địa bàn xã để “chốt” cà phê với giá thấp hoặc vay mượn với lãi suất cao.

Theo lãnh đạo xã Quảng Khê thì hiện nay tất cả người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đã được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ khoảng 65 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tiếp cận các “kênh” vốn khác như: Dự án 3EM, ngân hàng thương mại để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Qua tìm hiểu cho thấy, dù đã được vay vốn ngân hàng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau như làm ăn không hiệu quả, vườn cây năng suất kém, nên không ít hộ dân vẫn phải mua nợ vật tư, phân bón tại các cửa hàng, đại lý, đến vụ mùa thì mới trả nợ. Hầu hết những người dân tìm đến hình thức vay mượn này đều là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, có cuộc sống khó khăn. Có những hộ khi được vay vốn ngân hàng về thì bớt một phần để trả nợ, nên luôn thiếu vốn đầu tư là điều không thể tránh khỏi.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ trước hết chính quyền địa phương cần rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình người dân bán cà phê “non” để có biện pháp xử lý phù hợp. Về lâu dài cần tiếp tục quan tâm tạo thêm nhiều nguồn lực, điều kiện hỗ trợ đồng bào khó khăn về sản xuất, trong đó chú trọng hướng dẫn khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi… để hộ dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đời sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hộ dân ở Quảng Khê “chốt” cà phê non với giá thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO