Nhiều dư địa cho tăng trưởng kinh tế Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025

Nguyễn Công Điều| 09/09/2020 09:34

Mặc dù quy mô kinh tế chưa lớn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, song Đắk Nông đang được biết đến với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt với nhiều dư địa có thể tạo nên sự bứt phá.

ADQuảng cáo

Sản phẩm alumin đang được xuất khẩu qua các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ảnh: L.D

Kết quả tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020

Nghị quyết số 22/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh Đắk Nông về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đề ra 16 nhóm chỉ tiêu, trong đó có 10 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Có 6 nhóm chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, môi trường rừng và đô thị hóa. Đây là các chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng vừa đánh giá một cách tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa phản ánh nội hàm của từng lĩnh vực kinh tế tại địa phương, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế.

Kết quả tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 theo từng khu vực:  KV1: 5,79%/KH 5,27%; KV2: 13,79%/KH 20,94%; KV3: 8,29%/KH 7,15%; Thuế: 8,62%/KH 12.17%). Tuy nhiên theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì ước thực hiện cả giai đoạn chỉ đạt 6,15% (KV1: 4,52% ; KV2: 8,99%; KV3  6,51% và Thuế là 8,45%).

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015-2020, Đắk Nông phấn đấu tốc  độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh (GRDP) bình quân là 9%/năm. Kết quả thực hiện cho cả giai đoạn, bình quân hàng năm, GRDP Đắk Nông đạt hơn 8%.

GRDP bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng, xếp ở vị trí 39/63 tỉnh, thành và thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp của cả nước. Quy mô nền kinh tế trong giai đoạn này mặc dù tăng gấp 1,34 lần so với giai đoạn trước, song vẫn ở mức trung bình so với mặt bằng chung của cả nước.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng của tỉnh, một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra, cơ bản tập trung ở một số nguyên nhân.

Đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 chưa đạt phần lớn là do giá nông sản giảm sâu, các nhà máy sản xuất, chế biến quặng nhôm chậm đi vào hoạt động, giá trị sản xuất sản phẩm nội tỉnh còn thấp. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có tác động đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh như: Từ đầu năm 2020, tình hình dịch Covid-19 mặc dù có tác động không lớn, nhưng phần nào có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông.

Trong giai đoạn này, nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài quốc doanh (dân cư và doanh nghiệp, vốn FDI) có phần giảm sút một phần do dịch bệnh; song phần lớn là do môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của địa phương mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng vươn lên song chưa được cải thiện nhiều.  Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng; tăng trưởng chưa theo chiều sâu, năng suất, hiệu quả trong sản xuất còn thấp, hàm lượng áp dụng khoa học công nghệ kết tinh vào sản phẩm chưa cao; lợi thế so sánh theo từng ngành, lĩnh vực mà địa phương sẵn có chưa được phát huy đúng mức. Chưa kể, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh.

Đồ họa: Việt Dũng

Trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh chưa có bước đột phá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để làm động lực nâng cao các chỉ tiêu kinh tế liên quan.

Riêng về GRDP bình quân đầu người chưa đạt kế hoạch đề ra là do tác động từ giá trị sản phẩm và cơ cấu dân số nội tỉnh.

ADQuảng cáo

Trong giai đoạn này, với việc thắt chặt đầu tư công từ nguồn ngân sách, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn vốn tín dụng và đầu tư từ doang nghiệp nhà nước còn thấp là nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt theo kế hoạch đề ra.

Khả thi về kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025

Căn cứ các kịch bản tăng trưởng do Tiểu ban nội dung Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XII đề xuất cho thấy, chúng ta cần tiếp tục tập trung xem xét, phân tích, đánh giá sâu hơn dự báo kịch bản để đưa ra được một kịch bản tăng trưởng sát với thực tiễn và mang tính khả thi cao.

Theo kịch bản tăng trưởng này, tốc độ tăng GRDP bình quân của Đắk Nông giai đoạn 2020-2025 hằng năm đạt từ 7,5 đến 8%.

Kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2020-2025 chia theo khu vực gồm: Nông nghiệp tăng 4,5 đến 5%/năm; Công nghiệp, xây dựng tăng bình quân hằng năm khoảng 14%; Dịch vụ tăng 7,55% và Khu vực thuế trừ trợ cấp tăng trong phạm vi 9,74 đến 10%. GRDP bình quân đầu người dự báo tăng khoảng 67 đến 70 triệu đồng/ người/năm vào năm 2025.

Căn cứ kết quả tăng trưởng trong các giai đoạn trước đó, và kết quả thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời thông qua luận cứ đánh giá, xem xét về lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh cũng như chỉ ra một số tồn tại, hạn chế có thể nhận thấy dự báo kịch bản tăng trưởng nêu trên cơ bản phù hợp, có tính khả thi, với các lý do sau đây:

Với diện tích đất nông lâm nghiệp chiếm gần 90% với lao động nông nghiệp gần 80% dân số toàn tỉnh, cùng với điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi đã mang đến cho Đắk Nông lợi thế, dư địa cả chiều rộng lẫn chiều sâu về lĩnh vực này. Đồng thời, qua 5 năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu kinh tế nông nghiệp có chuyển biến tích cực. Mặt khác, tình hình dịch bệnh Covid-19 có tác động nhưng không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực này. Do đó, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 4,5% đến 5% là phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như sát dự báo phát triển trong thời gian tới.

Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đối với Đắk Nông còn dư địa rất lớn, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng và chế biến nhôm và phát triển công nghiệp phụ trợ, hình thành khu công nghiệp Quốc gia. Đắk Nông còn có điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở tam giác phát triển kết nối các vùng kinh tế của Tây nguyên và Đông Nam bộ, theo đó thu hút đầu tư xây dựng đường cao tốc Đắk Nông – TP. Hồ Chí Minh và đẩy mạnh kiến thiết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực để phát triển trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này khá lớn, đã thẩm thấu vào nền kinh tế và sẽ phát huy tác dụng trong giai đoạn sau. Do đó, tốc độ tăng trưởng dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 14% là hợp lý.

Đồ họa: Ngọc Tú

Lĩnh vực dịch vụ và thuế trong giai đoạn 2016-2020 có biến động mạnh, nhất là năm 2020 kể từ khi dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, với lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương, buôn bán cũng như hệ thống dịch vụ phụ trợ phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp sẽ phát triển trong tương lai. Tiềm năng du lịch đang được khai thác, đầu tư, nhất là hệ thống Hang động núi lửa… sẽ là các yếu tố quan trọng góp phần ổn định và có xu hướng tăng trưởng trong giai đoạn tới nằm khoảng 7,55% trở lên.

Đối với lĩnh vực thuế, nếu tính tăng trưởng bình quân trong 4 năm (2016-2019) đạt trên 14%/năm. Tuy nhiên, trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu phấn đấu thu đạt kế hoạch do HĐND tỉnh đề ra (2.700 tỷ đồng) thì tốc độ tăng trưởng tính chung cả giai đoạn 5 năm (2016-2020) đạt 11,47%. Trong 5 năm tới, một khi 72.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 (trong đó gần 10.000 tỷ đồng vốn NSNN) phát huy tác dụng, thẩm thấu vào toàn bộ nền kinh tế, cùng với đó là thời điểm vàng khai thác khoáng sản và sản phẩm luyện nhôm, kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo sẽ là điều kiện để Thuế đạt tốc độ tăng trưởng từ 9% - 10% là có cơ sở.

Trên cơ sở xem xét, đánh giá tốc độ các chỉ tiêu tăng trưởng thành phần; đồng thời với tốc độ tăng trưởng dân số của Đắk Nông giai đoạn 2016-2020 là 1,8%, dự báo tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 là 2,3%, theo đó GRDP bình quân đầu người sẽ đạt từ 67 - 70 triệu đồng được coi là hợp lý. Như vậy, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP giai đoạn 2021-2025 nằm ở khoảng từ 7,5 đến 8% là có cơ sở và có tính khả thi cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều dư địa cho tăng trưởng kinh tế Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO