Nhiều doanh nghiệp đang “khát” vốn

Nguyễn Lương| 08/04/2021 08:59

Sau thời gian bị thiệt hại do tác động dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang rất cần nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

ADQuảng cáo

Khó tiếp cận nguồn vốn

Đợt dịch Covid-19 vừa qua khiến cho Công ty TNHH Huy Hiển Minh (Đắk Mil) gặp không ít khó khăn. Công ty kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản, phân bón. Ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, giá cả nông sản giảm mạnh đã buộc đơn vị phải tìm hướng đi mới để duy trì hoạt động.

Công ty TNHH Huy Hiển Minh rất cần số vốn lớn để đầu tư mới hệ thống dây chuyền sản xuất

Theo ông Phạm Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hiển Minh, Công ty đang thiếu nguồn vốn lớn để nhập nguyên liệu đầu vào, hoàn thiện nhiều dây chuyền sản xuất và mở rộng một số nhà kho để sản phẩm… . "Chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, với lãi suất ưu đãi để nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Huy chia sẻ.

Cũng theo ông Huy, việc vay vốn từ các ngân hàng hiện nay là không hề đơn giản. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thường không có tài sản để thế chấp. Những trường hợp không quen làm phương án kinh doanh lại càng rất khó vay vốn từ ngân hàng.

Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Anh Nhật (Cư Jút) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, đơn vị phải tìm đến những cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ tại địa bàn. Theo ông Võ Đình Thanh Thảo, Giám đốc Công ty, mấy năm trước, thị trường tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng khá ổn định. Nhưng vài năm nay, do giá nông sản xuống thấp, đời sống người dân khó khăn nên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này cũng vì thế mà giảm xuống.

Dịch Covid-19 xảy ra càng làm cho sức tiêu thụ giảm sâu hơn. Do đó, Công ty rất cần vay vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất theo xu thế thị trường. "Nếu không có tài sản thế chấp hoặc tài sản ít thì khó có được sự ưu tiên. Ngay cả khi có tài sản thế chấp, chúng tôi chỉ vay được nguồn vốn ngắn hạn, với mức lãi suất cao. Với cách tiếp cận vốn như vậy, rất khó để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn", ông Thảo chia sẻ.

ADQuảng cáo

Đến hết tháng 2/2021, tỉnh Đắk Nông có 645 doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng, chiếm gần 15% doanh nghiệp đăng ký thành lập. Dư nợ toàn ngành ngân hàng cho khối doanh nghiệp là 4.119 tỷ đồng, chiếm hơn 13,6% tổng dư nợ toàn ngành kinh tế.

"Nút thắt" khó gỡ

Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) cho rằng, các ngân hàng thương mại nên thoáng hơn trong thực hiện cơ chế, chính sách. Ngân hàng cần linh động trong việc giải quyết nhu cầu vay vốn cho doanh nghiệp. Có như vậy, khoảng chênh giữa ngân hàng, doanh nghiệp mới được siết lại gần hơn. Khi đó, doanh nghiệp mới thuận lợi trong vay vốn, tự tin mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH Huy Hiển Minh rất cần số vốn lớn để đầu tư mới hệ thống dây chuyền sản xuất

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông, để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng đã có nhiều chương trình, gói vay tín dụng hỗ trợ với lãi suất thấp. Cụ thể như cơ cấu lại nợ, miễn hoặc giảm lãi suất cho vay…

Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn còn mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục nới lỏng cho vay hơn nữa. Nhưng nếu ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay có thể làm phát sinh nợ xấu và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến nền kinh tế. Do đó, việc ngân hàng yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện như phương án sản xuất khả thi, minh bạch tài chính, có tài sản bảo đảm…mới được xét vay vốn là quy định bắt buộc để tránh rủi ro.

Ngân hàng có vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn đang "khát" vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Đây là là "nút thắt" trong bối cảnh hiện nay. Hy vọng giữa ngân hàng và doanh nghiệp sớm có phương án tháo gỡ "nút thắt" này để cùng nhau ổn định, phát triển tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều doanh nghiệp đang “khát” vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO