Nhà hàng, quán ăn tìm cách cầm cự chờ thịt lợn "hạ nhiệt"

Lê Dung| 18/12/2019 08:59

Những ngày gần đây, giá thịt lợn tăng cao đã và đang khiến cho hoạt động kinh doanh của nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gặp khó khăn.

ADQuảng cáo

Giá nguồn nguyên liệu thịt lợn đầu vào tăng từ 30-40% so với trước đây, nên buộc các quán ăn sáng phải tăng giá theo. Mỗi ngày, quán ăn sáng bún hò Huế Bảo Anh, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), tiêu thụ khoảng 8 kg giò lợn. Với giá thịt lợn đầu vào tăng từ 30-40% thời gian qua khiến chủ quán đứng ngồi không yên.

Bà Võ Thị Lệ, chủ quán cho biết, hầu như các món khác như bún bò, bún riêu, bún ốc… vẫn được quán giữ nguyên giá. Riêng bún giò lợn quán bắt buộc phải tăng giá, nhưng chỉ tăng nhẹ (từ 30.000 đồng/tô lên thành 35.000 đồng/tô) để giữ khách. Tình hình này cũng được khách hàng hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, nếu như tình trạng này kéo dài, chắc chắn quán sẽ không thể bán món ăn sáng từ thịt lợn nữa mà chuyển qua thực phẩm khác để duy trì hoạt động…

Tương tự, quán bún Duy Bảo, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cũng vậy. Những ngày gần đây, quán phải tăng giá từ 25.000 đồng/tô lên thành 30.000 đồng/tô bún giò lợn do giá thịt lợn tăng chóng mặt. Chủ quán cũng cho biết, do mặt bằng của quán là nhà ở của gia đình luôn, nên giảm được một khoản chi phí thuê nhà hàng tháng. Nếu không thì quán khó mà cầm cự được vì gần như trên 80% thực phẩm cho quán bún ăn sáng đều là thịt lợn các loại…

Giá thịt lợn tăng khiến hoạt động kinh doanh của Quán cơm Cao Nguyên ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) gặp khó khăn

Mỗi ngày, quán cơm Cao Nguyên, phường Nghĩa Đức, tiêu thụ gần 7 kg thịt lợn các loại. Những ngày qua, giá thịt lợn nhập vào tăng chóng mặt (từ 80.000 đồng/kg lên thành 120.000 đồng/kg), nhưng giá cơm của quán vẫn giữ nguyên như niêm yết trên thực đơn để giữ khách.

ADQuảng cáo

Bà Phạm Thị Thu Trang, chủ quán cơm chia sẻ: Thịt lợn đang chiếm tới hơn 70% tổng lượng thực phẩm các loại trong quán. Vì thế, giá lợn tăng cao khiến cho hoạt động kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, giá hiện tại mỗi suất cơm của quán vẫn là 25.000 đồng. Mỗi ngày, quán đang bán gần 100 phần cơm dĩa. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài, e rằng quán khó mà cầm cự. Vừa rồi, để tiết kiệm chi phí đầu vào, quán đã phải cho 1 người làm công nghỉ việc…

Trường hợp ở quán cơm Tân Tân, phường Nghĩa Thành, cũng vậy. Đơn vị cũng phải tính toán kỹ lưỡng để thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế khi giá lợn tăng. Hiện tại, cơm dĩa ở quán vẫn giữ nguyên giá là 30.000 đồng. Một phần cũng là nhờ số lượng khách đặt theo phần và mâm nhiều nên quán vẫn đang có thể bù lỗ lại được ít nhiều.

Bà Đặng Thị Ngọc Hiền, chủ quán cho biết: Giá nguyên liệu đầu vào từ thịt lợn tăng cao đã khiến cho lợi nhuận bị ảnh hưởng, vì quán vẫn không tăng giá vào dịp này. Ngoài việc giữ giá, nhà hàng cũng giữ nguyên số lượng món, nhất là các món đặc trưng của quán, bởi nếu bớt đi phần thịt lợn trong suất cơm thì nhìn rất kỳ và khiến khách hàng không được thoải mái…

Theo Sở Công thương, ngoại trừ các quán ăn sáng thì nhìn chung, các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn hiện vẫn chưa có sự tăng giá đột biến. Phần lớn các cơ sở đang chờ tình hình biến động của thị trường thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 để có những điều chỉnh phù hợp. Dự kiến, nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 221.400 con, đạt 90,3% so với kế hoạch năm 2019. Trong đó, tổng số lợn tại các trang trại là 154.897 con, chiếm 69,9% so với tổng đàn. Tổng lượng thịt hơi xuất chuồng ước khoảng 52.000 tấn. Các trang trại hầu hết áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên trong thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi và tiêu hủy từ đầu năm 2019 đến nay là 4.304 con, chiếm tỷ lệ khoảng 1,94% so với tổng đàn... Do đó, về cơ bản, nguồn cung thịt lợn trên thị trường cơ bản vẫn bảo đảm.

Để tránh tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến, từ nay tới cuối năm, Sở Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường và các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, nhất là giá thực phẩm. Đơn vị cũng sẽ kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đẩy mạnh quản lý, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ và các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà hàng, quán ăn tìm cách cầm cự chờ thịt lợn "hạ nhiệt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO