Nguồn vốn ưu đãi “tiếp sức” giảm nghèo ở Đắk Song

Nguyễn Lương| 26/01/2021 08:54

Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã góp phần giúp người dân Đắk Song có điều kiện để phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống người dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm xuống.

ADQuảng cáo

Nguồn vốn “gõ cửa” người nghèo

Xã Thuận Hà là địa phương trong năm 2020 cơ bản về đích trong xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả này, ngoài sự đầu tư của huyện, nỗ lực của xã, sự “tiếp sức” về nguồn vốn của NHCSXH huyện đóng vai trò quan trọng. Đến hết năm 2020, toàn xã có hơn 810 hộ gia đình vay vốn tại NHCSXH huyện, với dư nợ gần 40 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà cho biết, nguồn vốn từ NHCSXH luôn đồng hành với người dân xã Thuận Hà trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Các đối tượng được vay vốn chủ yếu hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, các nhóm học sinh, sinh viên…

Mỗi năm, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã đầu tư có hiệu quả vào các mô hình cây, con trong phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều hộ thoát nghèo, hộ kinh doanh vay vốn phát triển kinh tế ngày càng khấm khá hơn. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã vì thế cũng giảm xuống. Cuối 2008 tỷ lệ hộ nghèo tại xã là trên 30%, nhưng đến  hết 2020 chỉ còn dưới 4%”.

Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Song kiểm tra mô hình sử dụng vốn vay

Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, xã Thuận Hà là một trong những hộ được tiếp cận vốn từ NHCSXH để phát triển sản xuất. Năm 2018, với hơn 2 ha tiêu, cà phê vào vụ thu hoạch. Cùng thời điểm, giá cả nông sản thấp, vườn tiêu lại bị bệnh chết hơn phân nửa, làm cho kinh tế gia đình bà càng khó khăn hơn.

Trước tình hình đó, gia đình bà Hằng được bình xét để được vay hơn 50 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn do NHCSXH huyện triển khai. Có vốn, bà đầu tư vào trồng rau và cà chua trên diện tích đã từng trồng tiêu nhưng bị bệnh chết. Quá trình chăm sóc bài bản, giá cả rau màu vài năm nay thuận lợi nên thu nhập gia đình cải thiện.

Hiện nay, với 5 sào cà chua và các loại rau khác, gia đình thu hoạch 2-3 vụ/năm. Doanh thu của gia đình bà mỗi năm hơn 150 triệu đồng. Nguồn thu duy trì ổn định nên cuộc sống của gia đình từng bước được cải thiện.

Tương tự, anh Trần Văn Hồi, thôn 5, xã Thuận Hà cho biết, nguồn vốn từ NHCSXH đã hỗ trợ cho tôi giai đoạn ban đầu làm nhà xưởng để phát triển mô hình nuôi cấy giống nấm đông trùng hạ thảo. Hồ sơ vay vốn, các thủ tục liên quan được phía ngân hàng hỗ trợ kịp thời.

ADQuảng cáo

Sau khi giải ngân, cán bộ ngân hàng, chính quyền địa phương trực tiếp tư vấn, hỗ trợ và kiểm tra sử dụng nguồn vốn vay của gia đình. Vì thế, gia đình rất yên tâm đầu tư vốn sản xuất, phát triển kinh tế.

Được vay vốn NHCSXH, anh Trần Văn Hồi đầu tư vào làm nhà xưởng để nuôi cấy giống nấm đông trùng hạ thảo

Giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo

Toàn huyện Đắk Song hiện có hơn 12.730 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, với dư nợ trên 410 tỷ đồng. Con số này chiếm gần 50% dân số hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện.

Theo bà Doãn Nguyễn Tây Xuyên, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Song, năm 2020, mặc dù khó khăn về mọi mặt, ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn. Cùng với nguồn vốn Trung ương, NHCSXH tỉnh phân bổ, địa phương đã quan tâm đến nguồn vốn ngân sách huyện để ủy thác cho vay.

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn, từ khâu rà soát, bình xét, giải ngân cho vay được phòng giao dịch thực hiện công khai. Hằng năm, việc kiện toàn, sắp xếp các tổ Tiết kiệm và Vay vốn cũng được đơn vị chú trọng, nhằm chấn chỉnh những tổ hoạt động yếu kém. Các tổ chức hội, đoàn thể luôn có sự phối hợp tốt với NHCSXH để nguồn vốn ưu đãi thực sự phát huy hiệu quả tại các địa bàn cơ sở.

Trao đổi về sự hỗ trợ của nguồn vốn ưu đãi thông qua NHCSXH huyện, ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, năm 2020 người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo. Thế nhưng, NHCSXH đã chú trọng và triển khai rất tốt các nguồn vốn cho vay ưu đãi đến tổ dân phố, thôn, bon giúp người dân có vốn, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế.

Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã vay được vốn để làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của huyện là 6,11%, nhưng đến cuối năm 2020 chỉ còn 3,38%. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ từ NHCSXH, trong năm 2020, huyện đã có Thuận Hà hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Ông Phò cho biết thêm, trong thời gian tới, địa phương sẽ tận dụng tối đa nguồn vốn ưu đãi để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Cùng với nguồn vốn cấp trên, huyện sẽ cân đối, trích ngân sách để ủy thác qua NHCSXH cho vay. "Đắk Song phấn đấu đến cuối 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 2%", ông Phò chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn ưu đãi “tiếp sức” giảm nghèo ở Đắk Song
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO