Nguồn vốn “tiếp sức” giảm nghèo

Nguyễn Lương| 25/05/2020 11:07

Giai đoạn 2015-2020, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông, nhiều hộ gia đình trên địa bàn Đắk Nông đã có cơ hội được vay vốn. Từ đây, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập ổn định của người dân được nhân rộng, góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

ADQuảng cáo

Vượt ngưỡng nghèo nhờ vốn ưu đãi

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, trong giai đoạn 2015-2020, thông qua nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, nguồn ủy thác của địa phương, toàn tỉnh có hàng ngàn hộ gia đình được vay vốn ưu đãi. Tính đến hết tháng 4/2020, tổng dư nợ tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh là gần 2.730 tỷ đồng. So với năm 2015, nguồn vốn tăng hơn 1.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 67.877 gia đình được vay vốn, tăng trên 11.800 hộ so với năm 2015. Nguồn vốn ưu đãi giải ngân kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Phòng Giao dịch NHCSXH Krông Nô giao dịch với người dân xã Đắk Sôr

Cùng với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được củng cố, nâng cao. Hằng năm, công tác thu lãi, nợ đến hạn luôn được NHCSXH tỉnh chú trọng. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn, đơn vị phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã trình cấp thẩm quyền khoanh nợ cho hơn 200 khách hàng bị rủi ro, với số tiền trên 5 tỷ đồng. Số khách hàng được xóa nợ là trên 550 khách hàng, với số tiền hơn 9,3 tỷ đồng. Với nhiều giải pháp hữu hiệu được triển khai, đến hết tháng 4/2020, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,19% tổng dư nợ, giảm trên 7 tỷ đồng so với năm 2015.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải ngân kịp thời, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh từng bước sử dụng vốn vay hiệu quả. Hộ ông Lê Đức Chung, thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) là một ví dụ điển hình. Trước đây, gia đình ông Chung luôn nằm trong diện nghèo của xã. Đầu năm năm 2017, gia đình ông được địa phương bình xét đề xuất NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn, gia đình ông mua 4 con heo giống về chăn nuôi sinh sản. Nhờ sự siêng năng, chăm sóc bài bản, đàn heo phát triển thuận lợi. Bình quân mỗi năm, ông xuất bán 3 lứa heo giống thu về cho gia đình hàng chục triệu đồng.

“Kinh tế gia đình tôi vài năm nay đỡ vất vả hơn rồi. Cái ăn, cái mặc của các thành viên trong gia đình cơ bản được đáp ứng, không còn tình trạng chạy ăn từng bữa như trước kia. Con cái học hành đến nơi đến chốn hơn. Không những thế, mỗi năm, gia đình còn tích góp được thêm ít vốn vừa mở rộng quy mô chăn nuôi, vừa tiết kiệm để khi đến hạn còn trả nợ cho ngân hàng theo quy định”.

ADQuảng cáo

Cũng được vay vốn từ NHCSXH thông qua chương trình hộ mới thoát nghèo, gia đình bà Nguyễn Thị Nhi, xã Đắk Sôr (Krông Nô) có cuộc sống từng bước ổn định. Bà Nhi chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 ha cà phê. Mấy năm nay vườn cây đạt năng suất không cao. Giá cà phê lại xuống thấp nên không đủ vốn đầu tư nhiều. Năm 2018, được vay vốn từ NHCSXH, xem như gia đình đã giải quyết được một phần khó khăn. Vườn cà phê được đầu tư, cải tạo nên năng suất mấy năm nay đều tăng lên. Từ đây, gia đình có thêm nguồn thu nhập”.

Người dân xã Đắk Sôr (Krông Nô) được vay vốn ưu đãi đầu tư vào chăm sóc cà phê

Chung tay vào mục tiêu giảm nghèo

Thực tế, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Theo ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, có được kết quả đó, hàng năm, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với cơ quan khuyến nông tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ.

Thông qua đó, các hộ vay vốn được hướng dẫn phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế. Các địa phương khuyến khích, vận động hộ nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nguồn vốn vay ưu đãi được bà con sử dụng khá hiệu quả.

Chỉ tính trong giai đoạn từ 2015 đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh đã có 10.633 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Nguồn vốn tín dụng đã tạo việc làm cho 5.846 lao động; 3.328 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.087 căn nhà ở cho hộ nghèo. Hơn 29.122 lượt hộ cư trú tại các xã vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù chất lượng tín dụng chính sách từng bước được nâng cao nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện một số chương trình. Tại một số nơi, các tổ chức nhận ủy thác chưa bao quát toàn diện đến các công đoạn được ủy thác, nhất là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, chất lượng hoạt động của các tổ không đều, khả năng quản lý vốn chưa cao.

Để giải quyết hạn chế này, trong thời gian tới, chi nhánh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đặc biệt đối với các đơn vị có chất lượng còn thấp hoặc chưa ổn định. Đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương trong đôn đốc thu hồi nợ quá hạn. Công tác kiểm tra, giám sát, nhằm bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch trong việc bình xét vay vốn sẽ được NHCSXH tỉnh thực hiện chặt chẽ hơn.

“Với những kết quả đã đạt được, cũng như nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn, nhằm chung tay hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh khẳng định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn “tiếp sức” giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO