Người Nùng ở Đắk N’drót tự tin làm giàu

Hưng Nguyên| 29/06/2015 11:05

Cần cù, chịu khó làm ăn, tích lũy, nhiều hộ đồng bào Nùng ở xã Đắk N’drót (Đắk Mil) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng quê mới.

ADQuảng cáo

Ông Âu Xuân Tài ở thôn 7 được xem là một trong những “triệu phú” đầu tiên nhờ sớm thay đổi tư duy trong làm ăn. Năm 2003, ông Tài bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế với hai loại cây chủ lực là hồ tiêu và cao su.

Ông Tài cho biết: Lúc đầu thấy người ta trồng mình cũng làm theo, nhưng do chọn cây giống và chăm sóc không đúng cách nên nhiều cây bị chết, khả năng sinh trưởng, phát triển kém. Vì vậy,  tôi đã quyết định đi học hỏi kinh nghiệm của những vườn tiêu hiệu quả, năng suất cao ở Đắk Lắk, Bình Phước rồi về nghiên cứu địa thế đất rẫy để có cách áp dụng phù hợp nhất, nên đạt hiệu quả cao.

Khi đã hiểu biết cách làm, ông đầu tư công sức, vốn liếng vào việc trồng tiêu, cao su và thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc, bón phân. Nhờ đó, vườn tiêu 3.000 trụ và 6 ha cao su của gia đình ông ngày càng phát triển, bước vào thời kỳ kinh doanh, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước, hiện tại mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 500 triệu đồng.

Vườn tiêu, cao su của gia đình ông Tài luôn xanh tốt, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

ADQuảng cáo

Tương tự, gia đình anh Triệu Đình Thi cũng ở thôn 7, ngoài trồng hoa màu thì còn có 3 ha cao su, 5 sào cà phê, 1.000 trụ tiêu, thu nhập hàng năm trên 400 triệu đồng. Để có được “cơ ngơi” như hôm nay, gia đình anh Thi cũng đã trải qua vài lần thất bại trong làm ăn rồi mới rút kinh nghiệm, ổn định được sản xuất.

Theo anh Thi chia sẻ thì trồng tiêu cần đầu tư nhiều vốn, thời gian, công sức cho khâu chăm sóc và kỹ thuật từ khi xuống trụ, xuống giống cho tới khi phủ trụ, đòi hỏi nông dân phải am hiểu mới làm được. Lúc đầu anh cũng vừa làm, vừa học nên không ít lần cây chết do bị bệnh. Qua thực tế làm ăn, anh đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, đó là nếu quyết tâm, mạnh dạn và biết tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật thì sẽ thành công. Đặc biệt, mặc dù hiện nay giá mủ cao su trên thị trường đang giảm mạnh, nhưng gia đình anh vẫn kiên trì giữ vững vườn cây vì hàng ngày nó vẫn cho nguồn thu nhập khá.

Anh Thi cho rằng, làm ăn mà cứ chạy theo kiểu phong trào, nay trồng cây này mai trồng cây khác thì khổ lắm, chẳng biết đến bao giờ mới ổn định sản xuất được. Bây giờ cao su xuống giá thì có thu nhập từ vườn tiêu, cà phê bù vào, nên gia đình vẫn có thể duy trì vườn cao su lâu dài, chắc chắn sẽ có lúc giá cả sẽ ổn định trở lại mà thôi.

Mặc dù giá mủ giảm, nhưng gia đình anh Thi vẫn có thu nhập khá từ vườn cao su.

Theo bà Lăng Thị Trương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk N’drót, trong xã hiện có 120 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, phần lớn là người Nùng. Đây là những “hạt nhân” đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Việc làm ăn của đồng bào Nùng không còn theo kiểu may rủi như trước đây nữa mà có kế hoạch phát triển lâu dài, bài bản hẳn hoi, có tư duy về sản xuất theo thị trường. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn giúp đỡ về vốn, cây giống, con giống cũng như phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn khác cùng phát triển kinh tế. Nhờ vậy, trên địa bàn ngày càng có nhiều gia đình có  thu nhập ổn định từ việc phát triển kinh tế trang trại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Nùng ở Đắk N’drót tự tin làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO