Người dân đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo

Lê Phước thực hiện| 05/06/2020 08:33

Những năm gần đây, huyện Đắk Glong đã đạt những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo. PV Báo Đắk Nông đã có trao đổi với ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong về công tác giảm nghèo tại địa phương thời gian qua.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong

PV: Xin ông cho biết về kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương những năm gần đây?

Ông Nguyễn Văn Hợp: Đắk Glong là một huyện nghèo thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, với 7/7 xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 16.738 hộ, với 73.851 nhân khẩu, bao gồm 30 dân tộc anh em sinh sống. Tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện chiếm 55,77% và chủ yếu là người nghèo, cận nghèo.

Năm 2016, toàn huyện có 9.229 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 62,19% dân số. Đến hết năm 2019, toàn huyện chỉ còn 6.846 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 40,9%. Trong giai đoạn này, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 5,32%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đều tăng qua các năm; riêng năm 2019, đạt 25,9 triệu đồng/người/năm. Kết quả này đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh và Nghị quyết của Huyện ủy Đắk Glong đề ra.

PV: Theo ông, yếu tố nào đóng vai trò quyết định đến kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Hợp: Công tác giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân. Do đó, cần phải huy động nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội nhằm khai thác có hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp.

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đắk Glong đã được tăng cường nguồn lực đầu tư các chính sách cho chương trình giảm nghèo. Nhờ vậy, chương trình giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, thu hút sự hưởng ứng, chia sẻ, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và của chính người nghèo. Nhìn chung, các hoạt động giảm nghèo đã góp phần tích cực trong việc tăng cường năng lực cho người dân, tăng nguồn thu nhập trong sản xuất, tạo điều kiện cải thiện mức sống người dân.

ADQuảng cáo

Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội thì người dân ngày càng có ý thức nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Người nghèo không còn trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Tôi nghĩ đây là nhân tố quan trọng, quyết định thành công trong công tác giảm nghèo tại địa phương thời gian qua.

PV: Trong thời gian tới, Đắk Glong sẽ tập trung vào những vấn đề nào để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hợp: Đắk Glong là một huyện nghèo, do đó công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng của huyện trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo để tìm ra nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Từ đó, huyện sẽ có kế hoạch, biện pháp và chế độ phù hợp theo quy định.

Thứ hai, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chế độ chính sách đối với người nghèo, cận nghèo. Trong công tác tuyên truyền, chúng tôi chú trọng các tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo để người nghèo học hỏi và từ đó tự nỗ lực, cố gắng vươn lên.

Thứ ba, huyện sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ nâng cao kiến thức về lĩnh vực nông - lâm nghiệp cho hộ nghèo có lao động, có đất nhưng thiếu kiến thức sản xuất. Song song với đó, chúng tôi sẽ nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế tốt, các nghề truyền thống, tạo cơ hội cho người nghèo tham gia sản xuất.

Thứ tư, chúng tôi sẽ có giải pháp giảm nghèo đặc thù về hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, vay vốn, phương tiện sản xuất… phù hợp với thực tiễn địa phương. Trên cơ sở đó sẽ từng bước giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng hình thức cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự lực, tự cường của người nghèo.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO