Người dân Đắk Mil chủ động tái canh cây cà phê

Lê Phước| 05/02/2020 09:27

Những năm gần đây, người dân huyện Đắk Mil đã chủ động thực hiện chương trình tái canh cà phê và từng bước mang lại hiệu quả, thu nhập cao.

ADQuảng cáo

Dọc khu vực biên giới thuộc xã Đắk Lao (Đắk Mil) có rất nhiều vườn cà phê đã được cưa gốc, chặt hạ. Điểm chung của các vườn cà phê này là đều già cỗi. Theo người dân địa phương, những vườn cà phê này được trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Do sử dụng giống cà phê cũ nên năng suất những năm gần đây đạt thấp và bấp bênh.

Đây là những khu vực đất đỏ bazan và bảo đảm nguồn nước tưới, nên người dân cũng chủ động tái canh cây cà phê chứ không trồng các loại cây khác để thay thế. Dự kiến sau khi nhổ bỏ, vào đầu mùa mưa năm nay (khoảng tháng 3 - 5/2020) người dân sẽ tiến hành xuống giống cà phê mới.

Người dân xã Đắk Lao chủ động chặt bỏ những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp để tái canh

Còn trên địa bàn xã Thuận An (Đắk Mil) cũng có nhiều rẫy cà phê mới mọc lên. Khác với một số xã lân cận, sau khi thu hoạch xong vụ cà phê 2019, một số hộ dân địa phương đã cải tạo đất và trồng luôn. Theo người dân, việc xuống giống sớm hoặc muộn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước tưới. Đối với một số rẫy chủ động được nguồn nước tưới trong mùa khô có thể xuống giống sớm để cây cà phê “có lực” phát triển vào mùa mưa. Nếu được chăm sóc tốt, những vườn cà phê này chắc chắn sẽ cho thu hoạch sau 2-3 năm nữa.

Ngoài việc tái canh cà phê bằng phương pháp trồng mới, người dân xã Thuận An còn sử dụng phương pháp ghép chồi. Sau khi thu hoạch, người dân cưa ngang gốc (khoảng 30 - 50 cm) rồi ghép chồi giống cà phê dây lên thân cũ vào đầu mùa mưa. Ưu thế của phương pháp này là tiết kiệm thời gian chăm sóc và chi phí. Khoảng 18 tháng sau khi ghép chồi, vườn cà phê bắt đầu cho thu bói. Từ năm thứ 3 trở đi, các vườn cà phê ghép chồi sẽ bước vào thời kì sản xuất.

ADQuảng cáo

Nhiều nông dân xã Thuận An đã trồng mới vườn cà phê sau khi thu hoạch niên vụ 2019

Theo Chủ tịch UBND xã Thuận An Lê Xuân Đông, những năm qua, chương trình tái canh cà phê được chính quyền và người dân địa phương triển khai rất chủ động. Mỗi năm, xã tái canh trung bình gần 200 ha cà phê. Ông Đông phấn khởi cho hay: "Giai đoạn 2015 - 2020, xã có kế hoạch tái canh 907 ha cà phê thì hiện tại đã thực hiện được 897,05 ha (đạt 98,9% kế hoạch). Qua theo dõi, những vườn cà phê tái canh đang sinh trưởng, phát triển tốt và hiện một số vườn đã cho thu hoạch với năng suất cao. Có thể khẳng định chương trình tái canh cà phê tại Thuận An đã mang lại kết quả rất khả quan".

Năm 2019, toàn huyện Đắk Mil đã thực hiện tái canh 979,5 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp. Trong năm 2020, huyện Đắk Mil có kế hoạch tái canh thêm 975 ha cà phê ( trong đó trồng tái canh 785 ha và ghép cải tạo 190 ha). Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp - PTNT Đắk Mil, chương trình tái canh cà phê năm 2020 sẽ cần khoảng trên 870.000 cây giống và 380.000 chồi ghép. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện tái canh vào khoảng 58 tỷ đồng, trong đó vốn người dân, doanh nghiệp tự có khoảng 39 tỷ đồng, còn lại là vay ngân hàng.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT Đắk Mil, giai đoạn 2012 - 2019, toàn huyện đã triển khai tái canh được 6.840,6 ha (trong đó trồng mới 5.609 ha, ghép cải tạo 1.231,6 ha). Qua theo dõi, có khoảng 80 - 85% diện tích cà phê tái canh sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT Đắk Mil, những năm qua, chương trình tái canh nhận được sự đồng thuận cao của nông dân. Phần lớn nông dân tái canh rất chủ động, không chờ đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. “Hiện chúng tôi đã và đang tích cực hướng dẫn cho người dân quy trình tái canh cà phê và các biện pháp cải tạo đất trước khi xuống giống. Ngành Nông nghiệp địa phương sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn cây giống để hỗ trợ cho người dân trước khi xuất vườn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tạo điều kiện để người dân có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng thuận lợi. Hy vọng với những nỗ lực của chính quyền và sự chủ động của người dân, chương trình tái canh cà phê năm 2020 sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển ngành cà phê bền vững”, ông Điệp cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Đắk Mil chủ động tái canh cây cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO