Ngành công nghiệp từng bước chuyển mình phát triển

Lê Dung| 27/08/2020 09:50

Sau gần 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Ngành Công nghiệp phát triển đã dần khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một số lĩnh vực nội ngành công nghiệp như khai khoáng; chế biến nông, lâm sản; sản xuất điện… đã có bước phát triển mạnh, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động.

Công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đắk Nông. Nổi bật là Dự án Alumin Nhân Cơ có công suất 650.000 tấn/năm đi vào hoạt động, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh về khoáng sản bô xít trên địa bàn tỉnh. Dự án đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1.100 lao động tại địa phương. Việc ra đời sản phẩm công nghiệp mới alumin đã kéo theo sự phát triển của các loại hình dịch vụ trong vùng dự án.

Sản xuất alumin tại Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV (Đắk R'lấp)

Trong nhiệm kỳ, thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông, lâm sản dồi dào cũng được khai thác hiệu quả. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được chế biến ngày càng tăng cao. Các nhà máy chế biến nông, lâm sản được hình thành như: Dự án chế biến hồ tiêu của Công ty Cổ phần dịch vụ- thương mại xuất nhập khẩu Trân Châu, công suất 950 tấn/năm; Công ty Cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao, công suất 4.000 tấn/năm…

Do nhu cầu thị trường về cà phê nguyên chất ngày càng phát triển, nên nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê bột của tỉnh đã được hình thành. Sản lượng cà phê bột được sản xuất trong giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6.915 tấn, vượt 4% kế hoạch và tăng 75% so với giai đoạn 2011-2015.

Các sản phẩm nguyên liệu từ gỗ rừng trồng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, đã thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực này tăng mạnh. Trong đó, những sản phẩm như bàn, giường, tủ làm bằng gỗ đạt 784.000 sản phẩm, tăng 231% so với năm 2015.

Ngoài ra, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng có giá trị cao (đá xẻ) phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2020, toàn tỉnh có thêm 2 cơ sở sản xuất đá xẻ, với sản lượng đạt 3,8 triệu m3, tăng 278% so với nhiệm kỳ trước. Từ đó đã giúp phát huy tối đa giá trị khoáng sản thông thường trên địa bàn tỉnh.

Ở lĩnh vực công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp cũng có những bước phát triển đáng kể. Nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm cửa nhựa lõi thép được hình thành, thay thế cho những vật liệu truyền thống…

Cơ cấu ngành Công nghiệp trong tổng GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% năm 2016 lên 12,06% năm 2020, góp phần làm cho cả khu vực công nghiệp - xây dựng tăng thêm 47%, tăng cao nhất so với các khu vực còn lại trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.

ADQuảng cáo

Dự kiến vào cuối năm 2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ là: Nông nghiệp chiếm 35,85%; công nghiệp - xây dựng chiếm 17,26%; dịch vụ chiếm 42,20%; thuế chiếm 4,69%...

Sản xuất cửa nhựa lõi thép tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ân Lâm (Đắk R'lấp)

Ưu tiên phát triển công nghiệp lợi thế

Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngành công nghiệp của tỉnh thời gian qua phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Đặc biệt, tỷ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh không đạt theo kế hoạch. Cụ thể, công nghiệp hiện nay mới chiếm 17,26% trong cơ cấu kinh tế, trong khi chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 22,08% vào năm 2020.

Phát triển công nghiệp vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ còn lạc hậu. Nhiều dự án công nghiệp chưa gắn kết với phát triển vùng nguyên liệu, nên hoạt động cầm chừng, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị còn rất hạn chế. Một số dự án quan trọng, có tác động lớn đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp thực hiện chậm tiến độ… dẫn đến không đạt được các mục tiêu đề ra.

Chẳng hạn, theo kế hoạch, năm 2016, nhà máy alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động, với sản lượng dự kiến đạt 200.000 tấn alumin/năm. Thế nhưng hiện nhà máy chỉ đạt 30.000 tấn. Nhà máy điện phân nhôm của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân dự kiến năm 2018 đi vào hoạt động, với sản lượng sản xuất là 150.000 tấn/năm. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2021 dự án của công ty mới có thể đi vào hoạt động theo phân kỳ 1 là 75.000 tấn/năm. Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp khác trong kỳ lại giảm xuống cũng tác động lớn đến kết quả của cả giai đoạn như cồn, mía đường... Một số sản phẩm khác có tăng như điện sản xuất, ván MDF, đá xẻ xuất khẩu..., nhưng không thể bù đắp phần thiếu hụt so với kế hoạch đề ra.

Phân loại hạt điều nhân tại Công ty TNHH Kiều Phương Đông (Đắk R'lấp)

Trong giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân 14,52%/năm. Để đạt được những mục tiêu đó, một loạt các giải pháp đã được ngành Công thương xây dựng. Theo đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại sẽ được ngành tập trung thực hiện nghiêm túc. Trong đó, việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được quan tâm đúng mức, nhất là những doanh nghiệp đầu tư ở vùng nông thôn.

Thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, đơn vị sẽ kịp thời hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường... Việc huy động nguồn vốn các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh sẽ được đẩy mạnh như chế biến nông, lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bô xít, các sản phẩm sau nhôm...

Lĩnh vực công nghiệp sản xuất alumin, điện phân nhôm và các sản phẩm từ nhôm sẽ được ưu tiên phát triển, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trước tiên, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định sản xuất của Nhà máy alumin Nhân Cơ và nghiên cứu phương án cường hóa, phát huy tối đa năng suất công nghệ; đồng thời, hỗ trợ đắc lực hơn nữa để việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân nhôm sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, đạt công suất theo thiết kế giai đoạn I trong kỳ. Từ đó, đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh nghiên cứu, thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư, sản xuất các sản phẩm từ nhôm, nhất là lợi thế về nhôm lỏng sau quá trình điện phân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành công nghiệp từng bước chuyển mình phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO