Ngành công nghiệp nỗ lực duy trì đà tăng trưởng

Lê Dung| 31/03/2020 09:18

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng cùng với sự nỗ lực của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì tăng trưởng ở mức ổn định.

ADQuảng cáo

Theo Sở Công thương, trong quý I năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 4 lĩnh vực công nghiệp nội ngành đều có chỉ số tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Cụ thể như: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,17%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,78%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 0,62%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%. Đặc biệt, trong tháng 3, do các doanh nghiệp đã ổn định lại kế hoạch sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng mạnh, với 7,66% so với tháng trước.

Sản xuất hạt điều rang muối tại Công ty TNHH Kiều Phương Đông (Đắk R'lấp)

Trong số 19 sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông, trong quý I có tới 12 sản phẩm tăng mạnh về sản lượng sản xuất so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý nhất là hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp khai khoáng. Nhờ đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp ước tăng cao so với cùng kỳ như: Cồn tinh luyện đạt 1.040 tấn, tăng 477,8%; tinh bột sắn: 8.641 tấn, tăng 33,4%; điện sản xuất: 233,1 triệu kwh, tăng 29,7%; ván MDF: 15.703 m3, tăng 10,6%; hạt điều nhân: 1.055 tấn, tăng 10,5%; gạch xây dựng: 68 triệu viên, tăng 3%; chế biến cà phê nhân: 61 nghìn tấn, tăng 6,1%; đá xẻ ốp lát: 152,7 nghìn m2, tăng 9,1%...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quý I, một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh lại giảm so với cùng kỳ như: Khí CO2 ước đạt 1.230 tấn, giảm 16,2%; gỗ cưa xẻ xây dựng cơ bản:  230,6 m3, giảm 45,7%; bàn ghế, giường tủ bằng gỗ các loại: 23.231 sản phẩm, giảm 1,9%... Việc một số sản phẩm công nghiệp bị sụt giảm về sản lượng trong quý cùng với những tác động của dịch bệnh kéo dài đang đòi hỏi có những chính sách hỗ trợ kịp thời để toàn tỉnh phấn đấu, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,2% trong quý II.

Điều hành sản xuất tại Nhà máy Thủy điện Đắk Rung thuộc Công ty Cổ phần Công trình Việt Nguyên (Đắk Song)

ADQuảng cáo

Hiện nay, ngành Công thương đã và đang đẩy mạnh nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “bão” dịch bệnh, tiếp tục ổn định sản xuất trong mọi tình hình. Trong đó, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các đề án xúc tiến thương mại năm 2020 cũng đang được đẩy mạnh, nhằm tìm kiếm, phát triển thị trường tại một số tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Bắc, khu vực miền Tây Nam bộ… cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia ngay sau khi hết dịch Covid-19.

Ngành cũng tích cực phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Qua đó, đơn vị sớm có chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất phù hợp với nhu cầu trị trường trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, công tác tuyên truyền sẽ được ngành tập trung cho việc khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.

Ngành Công thương đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định thông qua các đề án khuyến công

Sở Công thương cũng tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương và chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy sản xuất gỗ công nghệ cao Hansol Home Deco của Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Bison; Nhà máy chế biến trái cây đông lạnh của Công ty TNHH An Vạn Phúc LD; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Bơ công nghệ cao Việt Nam; Xưởng tái chế cao su đã qua sử dụng của Công ty TNHH Dầu FO Tây Nguyên; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần VBM Việt Nam; Nhà máy điện phân Nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân…

Việc tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cho các dự án này sẽ giúp các nhà máy sớm đi vào hoạt động trong năm 2020, góp phần tích cực trong việc giải quyết đầu ra cho nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị hàng hóa cho tỉnh trong giai đoạn tới. Ngoài ra, các dự án sớm đi vào hoạt động sẽ đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói chung và nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng.

Hy vọng, với sự hỗ trợ thiết thực của các ngành, các cấp, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển. Các doanh nghiệp cũng sẽ giữ vững được tâm thế để có thể bắt tay ngay vào sản xuất đại trà ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành công nghiệp nỗ lực duy trì đà tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO