Ngân hàng "đau đầu" với khoản nợ từ các hộ dân đi khỏi địa phương

Nguyễn Lương| 13/01/2021 09:35

Tình trạng người dân vay tiền Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh rồi đi khỏi địa phương diễn ra nhiều. Điều này khiến cho nợ quá hạn tại NHCSXH tăng cao, nhưng thu hồi, xử lý lại rất khó.

ADQuảng cáo

Nợ quá hạn tăng

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Song là đơn vị đang dẫn đầu về nợ quá hạn. Tính đến hết 31/12/2020, nợ quá hạn tại đơn vị này là hơn 1,2 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ và tăng 7,43% so với thời điểm đầu năm 2020.

Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Song tìm hiểu tình hình sử dụng vốn vay của người dân tại xã Thuận Hà

Theo ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, nợ quá hạn tăng là do nhiều hộ dân vay tiền rồi rời bỏ địa phương để sinh sống nơi khác. Mọi thủ tục sang nhượng, bán đất, bán nhà hầu hết được người dân thực hiện tại các phòng công chứng. Do đó, địa phương không nắm bắt được để có biện pháp thu nợ kịp thời”.

Vài năm trở lại đây, giá nông sản chủ lực như tiêu, cà phê xuống thấp. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 diễn ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Nhiều hộ dân bán đất, nhà và rời khỏi địa phương đi làm ở nơi khác.

Nhiều hộ trong số này còn dư nợ tại NHCSXH, nhưng không chịu trả. Ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, thu hồi nợ đối với những trường hợp này.

Tình trạng này cũng khiến cho nợ quá hạn tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy Đức tăng cao so với mọi năm. Đến hết năm 2020, nợ quá hạn tại đơn vị này hơn 530 triệu đồng, chiếm 0,14 % tổng dư nợ, tăng 22,65% so với cuối năm 2019.

ADQuảng cáo

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, nợ quá hạn tại đơn vị gần 4,5 tỷ đồng, chiếm 0,15% tổng dư nợ, tăng 5,63% so với cùng kỳ 2019. Ngoài nguyên nhân các hộ rời khỏi địa phương, nhiều sinh viên vay vốn khi ra trường chưa có việc làm cũng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

Một số trường hợp khác gặp hoạn nạn, ốm đau, bệnh tật bất khả kháng. Số ít các hộ còn chây ì, không tuân thủ quy định trả nợ cho ngân hàng khi đến hạn.

Tìm biện pháp thu hồi

Trước tình hình nợ quá hạn tăng, Ban Đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ. Ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với nhau để quản lý tốt hơn các hộ vay vốn chính sách.

Đối với những hộ đang dư nợ tại NHCSXH có ý định rời khỏi địa phương, huyện sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để thu hồi nợ. Riêng những hộ đã rời khỏi địa bàn, huyện sẽ nhờ lực lượng công an hỗ trợ, hợp tác tìm kiếm và thu hồi nợ.

Đưa ra giải pháp thu nợ quá hạn trong năm 2021, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức nhấn mạnh: “Ban Đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nên tổ chức nhiều cuộc thảo luận, phân tích, giao trách nhiệm cụ thể cho các bên liên quan về vấn đề này. Có như vậy, công tác thu hồi nợ quá hạn mới được thực hiện ráo riết”.

 Ngoài nỗ lực của ngân hàng, sự phối hợp giữa các địa phương rất quan trọng. Chúng tôi sẽ lập danh sách các trường hợp nợ quá hạn, cũng như phân tích rõ nguyên nhân từng trường hợp. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đạt hiệu quả nhất.

(Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh)

Tại hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2020 diễn ra mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh: “UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo tốt hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Các địa phương cần có văn bản chỉ đạo đến các đơn vị liên quan, nhằm kiểm soát tốt tình hình hộ vay vốn NHCSXH đã bỏ đi khỏi địa phương, thu hồi nợ quá hạn hiệu quả, tránh gây thất thoát vốn Nhà nước”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng "đau đầu" với khoản nợ từ các hộ dân đi khỏi địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO