Nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng sản phẩm an toàn, đạt chất lượng

Thanh Nga thực hiện| 27/05/2016 10:10

Hiện nay, các ngành chức năng đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) để bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công thương xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Người tiêu dùng mua thịt tại Siêu thị Co.opmart Đắk Nông vì đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn

PV: Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của nông dân tỉnh nhà trong việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn chất lượng để đưa vào các kênh phân phối bán lẻ?

Ông Bùi Huy Thành: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có một số chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ nông dân, thành viên sản xuất rau, củ, quả, lúa, cây ăn trái và đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn và tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, các sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo đảm VSATTP, nhất là mặt hàng tươi sống như thịt, cá cũng còn hạn chế.

Nguyên nhân trước hết là do tâm lý của người nông dân, vì đang sản xuất manh mún nên rất ngại việc đi vào thực hiện một quy trình sản xuất rất chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật. Người dân cứ nuôi, trồng và đưa ra chợ bán. Họ cũng ngại ký hợp đồng với các siêu thị, chợ đầu mối vì ràng buộc thủ tục hành chính.

Ở đâu bán sản phẩm có lời, không đòi hỏi nhiều về mặt kỹ thuật, chất lượng và không cần giấy tờ gì thì người dân bán. Cơ chế thị trường tức là người dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi người dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì mới cần định hướng theo trách nhiệm của cơ quan nhà nước là xúc tiến thương mại.

PV: Theo ông, việc người dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm như thế thì nếu sản xuất quy mô lớn liệu có bền vững hay không?

Ông Bùi Huy Thành: Nếu cứ để nông dân tự đi tìm thị trường tiêu thụ thì chắc chắn sẽ không bền vững. Cơ quan quản lý nhà nước chưa có định hướng cụ thể và chưa có những hướng dẫn về mặt thủ tục, quy trình sản xuất, chưa “cầm tay, chỉ việc” mà mới dừng ở tuyên truyền, vận động. Vì vậy, cứ đến mùa thu hoạch, thương lái đến tại vườn mua thì nông dân lại sẵn sàng bán, quên hẳn việc là phải làm các quy trình thủ tục để đưa sản phẩm vào siêu thị, chợ đầu mối...

Do đó, có những việc cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, thậm chí “cầm tay, chỉ việc” và đưa lực lượng chuyên môn để hướng dẫn các trang trại, hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, theo quy hoạch và nhu cầu thị trường thì mới bền vững. Theo quan điểm của Sở Công thương, việc cơ quan nhà nước chủ động kết nối thị trường sẽ giúp nông dân có được sự bền vững hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

ADQuảng cáo

Hiện nay, Sở Công thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền các huyện, thị xã đẩy mạnh kết nối thương mại để nông sản của tỉnh có đầu ra ổn định.

PV: Thời gian tới cần tuyên truyền như thế nào để người tiêu dùng nâng cao ý thức tiêu dùng sản phẩm được chứng nhận có nguồn gốc, chất lượng bảo đảm nhằm hạn chế hàng hóa trôi nổi, thưa ông?

Ông Bùi Huy Thành: Tập quán tiêu dùng của người dân thứ nhất là cứ tiện là mua dùng. Ví dụ như đi làm tiện mua rau, thịt, cá… ở chợ, ở bên đường, hàng quán, gặp đâu mua đó. Sau nữa là thấy rẻ thì mua, nên người tiêu dùng lắm lúc quên hẳn vấn đề chất lượng sản phẩm.

Sở dĩ các sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi sống ở các chợ nhỏ vẫn bán được là vì vậy. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả hàng hóa, sản phẩm bán ở chợ, hàng quán là không bảo đảm chất lượng. Thế nhưng, người tiêu dùng đã mua ở thị trường như vậy thì cũng khó kiểm soát rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là thực phẩm.

Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức, chú trọng sử dụng hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sở Công thương cùng với một số sở, ngành đã có những văn bản gửi các địa phương về khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn, bảo đảm VSATTP tại các cửa hàng, cửa hiệu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có Siêu thị Co.op mart Đắk Nông. Bên cạnh việc góp phần bình ổn giá cả thì hàng hóa được bán trong siêu thị bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng nên người tiêu dùng yên tâm. Việc tồn tại giữa chợ và siêu thị là chuyện bình thường vì đó là cơ chế thị trường.

Điều quan trọng là người tiêu dùng cần nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe. Nếu phần lớn người tiêu dùng đều có ý thức như vậy thì sẽ ngày càng góp phần giảm bớt tình trạng sản xuất không theo một quy trình nào.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng sản phẩm an toàn, đạt chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO