Nâng cao hiệu quả quy hoạch

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 04/12/2018 09:29

Để xây dựng ngành hàng cà phê Đắk Nông phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh lộ trình quy hoạch lại diện tích cà phê để ổn định diện tích, tập trung thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) bón phân NPK cho cà phê kiến thiết

Diện tích tăng mạnh

Trong những năm qua, diện tích cà phê của Đắk Nông liên tục tăng. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 127.452 ha cà phê, trong đó cà phê kinh doanh 112.600 ha, còn lại là cà phê đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Nhiều địa phương, diện tích cà phê tăng lên nhanh chóng trong khoảng 5 năm qua.

Cụ thể như tại Đắk Song, năm 2010, toàn huyện mới có 14.394 ha thì đến năm 2012, diện tích cà phê toàn huyện tăng lên đạt mức 25.103 ha và đến năm 2017, tuy diện tích có giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao với 22.847 ha. Tại Đắk Glong, năm 2010, toàn huyện mới có 5.315 ha thì đến năm 2017, diện tích cà phê đạt mức 16.222 ha.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, thực tế sự phát triển của cây cà phê những năm qua tuy không biến động lớn so với hồ tiêu và một số cây trồng khác nhưng đã vượt ra ngoài định hướng quy hoạch của ngành chức năng. Cụ thể, theo định hướng quy hoạch của tỉnh, năm 2013, diện tích cà phê toàn tỉnh duy trì ở mức 116.000 ha nhưng thực tế lên đến 117.357 ha; năm 2015, định hướng diện tích cà phê toàn tỉnh là 118.970 ha nhưng thực tế lên đến 119.496 ha...

Nhiều hệ lụy

ADQuảng cáo

Chính vì phát triển cà phê một cách tự phát, không theo quy hoạch nên người trồng cà phê của tỉnh đã và đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Trước tiên là những rủi ro từ cây giống không bảo đảm chất lượng. Thống kê của cơ quan chuyên môn, 60% diện tích cà phê của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh được nông dân trồng bằng các giống thực sinh. Chính vì thế, độ phát triển đồng đều của vườn cây thấp, cùng với đó, hầu hết các vườn dễ bị sâu hại, bệnh rỉ sắt tấn công. Các giống thực sinh chủ yếu còn có đặc điểm đốt cành thưa, trái ít, nhỏ, chín không đồng đều nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao.

Cũng do mới tập trung mở rộng diện tích nên nhiều nông dân không quan tâm đúng mức đến việc áp dụng các kỹ thuật canh tác an toàn với môi trường. Vấn đề về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật diễn ra khá phổ biến không những lãng phí tiền của đầu tư mà còn ảnh hưởng sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường đất, nước.

Tương tự, hoạt động sử dụng phân bón cho cà phê của nông dân trong tỉnh đa phần chưa đúng cách. Nông dân còn lạm dụng phân bón vô cơ, bón phân thiếu tính hợp lý, không cân đối với nhu cầu cây trồng theo các thời kỳ sinh trưởng. Nhà nông ít sử dụng phân bón hữu cơ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất đai ngày càng bị thoái hóa.

Bên cạnh đó, hiện nay, người trồng cà phê nhiều vùng trong tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, nhất là đối với những vùng trồng có độ dốc lớn, có tầng canh tác mỏng, xa công trình thủy lợi, các nguồn nước từ sông, suối tự nhiên. Ngoài nguyên nhân cạn kiệt nguồn nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu thì có hệ lụy từ chính quy trình tưới thiếu khoa học.

Hiện có hai hình thức tưới mà người trồng cà phê đang áp dụng là tưới gốc chiếm 85% và tưới phun chiếm 15%. Tùy vào điều kiện khô hạn từng năm, bà con tưới từ 2- 5 đợt nhưng nhiều người tưới thừa lượng nước theo nhu cầu của cây trồng. Có những nơi trung bình lượng nước tưới từ 2.500-2.700 m3/ha/vụ, cao hơn mức khuyến cáo khoảng  650 m3/ha/vụ.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, trong vòng 10 năm qua, năng suất trung bình cà phê Đắk Nông chưa cao, mức 2,2- 2,5 tấn/ha. Cùng với đó, chất lượng sản phẩm cà phê nhân còn thấp, không đồng đều do việc thu hái phần nhiều còn chưa đúng quy trình, tỷ lệ hái quả xanh còn nhiều. Phương pháp sơ chế phổ biến của nông dân là phơi khô,  xay tách hạt, bảo quản bao bì thông thường và xuất bán cho thương lái. Việc áp dụng các phương pháp chế biến ướt còn ít nên chất  lượng sản phẩm cà phê của tỉnh chưa cao, 90% xuất thô nên giá trị chưa tương xứng.

Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp, các địa phương đang triển khai các giải pháp về chuyển đổi những diện tích canh tác cà phê không thuận lợi sang trồng các loại cây khác. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê gắn với tuyên truyền, hỗ trợ nhân rộng các hình thức sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2020, toàn tỉnh ổn định diện tích cà phê ở mức 123.000 ha, trong đó khoảng 113.000 ha cho thu hoạch, năng suất trung bình khoảng 2, 5 tấn/ha.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO