Một "hạt nhân" kinh tế và sẻ chia ở Ðắk R'la

Hưng Nguyên| 09/08/2022 09:01

Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, ông Khương Văn Phú, ở thôn 3, xã Đắk R’la (Đắk Mil), đã tìm kiếm được cách làm hay, trở nên khá giả. Thời gian qua, ông đã chia sẻ, hỗ trợ nhiều bà con nông dân về vốn, kỹ thuật để đầu tư sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống.

ADQuảng cáo

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Thấy vùng đất Đắk Nông màu mỡ, khí hậu ôn hòa, năm 1999, ông Khương Văn Phú cùng vợ, con từ Thái Bình vào thôn 3, xã Đắk R’la lập nghiệp. Ban đầu, sau khi dành dụm được ít vốn, ông Phú mua được 5 sào rẫy, rồi cả gia đình vừa trồng cây ngắn ngày, vừa trồng cây dài ngày.

Ông Phú chia sẻ, ông trồng cây ngắn ngày để làm nguồn thu nhập chính, trang trải cuộc sống, đồng thời tích lũy vốn để đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích cây dài ngày.

Sau một thời gian, ông đã có vốn đầu tư mở rộng đất đai. Ông đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình hay, cây trồng mang lại hiệu quả để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Từ những buổi tham quan học tập, ông Phú đã có thêm kinh nghiệm phục vụ cho sản xuất, chăm sóc cây trồng, từ đó ổn định canh tác, giúp cuộc sống gia đình dần dần khấm khá.

Đến năm 2003, ông Phú đã đầu tư mở rộng được 3,7 ha cà phê, hồ tiêu. Năm 2005, sau khi ổn định cuộc sống, thấy việc thu mua nông sản có nhiều tiềm năng, ông đã bỏ vốn để đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện nay, gia đình ông Phú có 7 ha cà phê, mỗi năm thu được trên 28 tấn cà nhân; hồ tiêu 2,5 ha với sản lượng đạt 9 tấn/vụ; 5 ha cao su, sản lượng đạt 2 tấn mủ quy khô/ha.

Qua những năm tháng lao động cần cù, tính toán hợp lý, nguồn thu nhập của gia đình ông cứ dần tăng lên. Tổng thu nhập của gia đình hiện nay vào khoảng trên 3 tỷ đồng/năm.

Ông trở thành một trong những nông dân có tính cách làm ăn quyết đoán, kinh tế khá giả nhất trên địa bàn xã Đắk R'la. Các mô hình sản xuất của ông được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

ADQuảng cáo

Từ chỗ bàn tay trắng, phải đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, ông Phú giờ đây đã trở thành người giàu có, truyền đạt kiến thức cho nhiều người. Ông trở thành một trong những "hạt nhân" chính trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Vườn cà phê tái canh của ông Phú luôn cho năng suất cao

Sẻ chia với người nghèo

Trong sản xuất nông nghiệp, ông Phú là người tiên phong phổ biến kiến thức cho nông dân. Đơn cử như việc ông hướng dẫn hàng trăm nông dân kỹ thuật, thao tác ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi.

Ông còn tuyên truyền, vận động nông dân cách làm phân vi sinh truyền thống bằng cách ủ men các loại phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhờ sự giúp đỡ của ông mà đến nay, có trên 50% hộ nông dân ở thôn 3, xã Đắk R'la biết cách làm phân vi sinh, góp phần giảm chi phí sản xuất, ô nhiễm môi trường.

Ông Phú cho biết, để có được ngày hôm nay, gia đình ông đã vượt qua nhiều khó khăn. Đặc biệt, gia đình nhận được sự đùm bọc của bà con, láng giềng. Chính vì thế, ông luôn sống với tinh thần sẻ chia.

Từ năm 2015-2022, gia đình ông đã cho 20 hộ vay vốn (mỗi hộ 15 triệu đồng) để sản xuất mà không tính lãi, với tổng số tiền cho vay là 300 triệu đồng. Cũng từ nguồn vốn được hỗ trợ của ông, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định.

Hằng năm, ông Phú còn tạo việc làm ổn định cho 20-25 lao động, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa thu hoạch nông sản, gia đình ông thuê thêm 15 lao động thời vụ. Lao động ông thuê chủ yếu là các hộ nghèo trong thôn.

Ông Cao Dương Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Mil đánh giá, ông Phú là tấm gương nông dân vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Ông ấy đã biết cách vượt qua khó khăn, khắc phục các hạn chế để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tích cực hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Địa phương luôn xem ông Phú là "hạt nhân" để truyền bá động lực, kinh nghiệm làm ăn cho người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một "hạt nhân" kinh tế và sẻ chia ở Ðắk R'la
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO