Mã số vùng trồng giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm

Kim Ngân thực hiện| 23/09/2022 06:02

Để tăng thu nhập cho người sản xuất, không có biện pháp nào tối ưu hơn là nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, phục vụ thị trường xuất khẩu. Việc triển khai thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT về nội dung này.

ADQuảng cáo

PV: Thưa bà, việc cấp mã vùng trồng có tác động như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp của nông dân?

Bà Nguyễn Thị Tình: Mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, trước tiên đó là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp có thể ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài, bền vững.

Hàng hóa được các doanh nghiệp thu mua khi đã có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đó là yêu cầu thiết yếu đối với người tiêu dùng cũng như thị trường.

Đây cũng là biện pháp cần thiết giúp các sản phẩm nông sản địa phương nâng cao uy tín, chất lượng. Từ đó, các sản phẩm nông sản đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước bạn gia tăng về giá trị.

Do đó, việc cấp mã số vùng trồng có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, nó còn góp phần thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ của nông dân, khuyến khích nông dân liên kết sản xuất, tăng diện tích, áp dụng chung quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của vùng trồng.

Đồ họa: N.Hiền - Văn Tâm

PV: Hiện nay, việc thiết lập mã vùng trồng trên địa bàn tỉnh đạt kết quả như thế nào, thưa bà ?

Bà Nguyễn Thị Tình: Tính đến giữa tháng 9/2022, Sở NN – PTNT đã hướng dẫn 19 hồ sơ của các cơ sở có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh

Theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), trước khi cấp mã số, GACC sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở vùng trồng và đóng gói với các yêu cầu rất nghiêm ngặt về quy trình canh tác, sử dụng vật tư nông nghiệp, phòng trừ dịch hại và các yêu cầu về phòng, chống Covid-19...

Tại Đắk Nông, vừa qua GACC mới kiểm tra 3/9 cơ sở (2 vùng trồng, 1 đóng gói) và đã tổng hợp kết quả hồ sơ gửi đến Cục Bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, cả 3 cơ sở chưa đáp ứng được các yêu cầu của phía Hải quan Trung Quốc. Cục BVTV sẽ có văn bản hướng dẫn khắc phục để xem xét cấp đợt sau.

ADQuảng cáo

PV: Vâng, qua đó có thể thấy, phần lớn người dân chưa quan tâm đầy đủ về mã vùng trồng, dẫn đến chưa có định hướng. Bên cạnh đó, thời gian qua, được biết có cá nhân, đơn vị đã trả lại chứng nhận vùng trồng, mã đóng gói được cấp từ các năm trước. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa bà ?

Bà Nguyễn Thị Tình: Việc triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng, thời gian qua, ngành chuyên môn, địa phương đã triển khai rộng rãi đến với người sản xuất trong tỉnh.

Theo yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình thiết lập và giám sát mã vùng trồng, cơ sở đóng gói của Cục BVTV, diện tích vùng trồng đối với cây ăn quả phải là vùng trồng chủ yếu một loại cây trồng, có diện tích 10 ha trở lên.

Trong khi đó, diện tích các hộ sản xuất vẫn còn manh mún, chưa liên kết. Ngoài ra, còn phải đáp ứng một số yêu cầu khác về sinh vật gây hại, biện pháp quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép thông tin trong quá trình canh tác và các yêu cầu khác của nước nhập khẩu…

Hiện nay, qua  rà soát, Đắk Nông có 2 cơ sở không có nhu cầu sử dụng mã số và để tránh tình trạng lợi dụng, giả mạo mã số, Chi cục Phát triển nông nghiệp và Cục BVTV đã tạm thu hồi.

PV: Trong thời gian tới, Sở NN – PTNT có giải pháp, định hướng gì để triển khai chương trình thiết lập mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh ?

Bà Nguyễn Thị Tình: Trong thời gian tới, để tăng cường thêm việc thiết lập mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung công tác tuyên truyền, đa dạng, bằng nhiều hình thức cho các chủ cơ sở vùng trồng.

Việc thiết lập mã số vùng trồng tới đây sẽ được ưu tiên cho vùng trồng có diện tích lớn trước. Nghĩa là tập trung cho các trang trại lớn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đang sản xuất, thu mua xuất khẩu trực tiếp trên địa bàn tỉnh.

Các trang trại, doanh nghiệp này có thuận lợi là họ hiểu cách thiết lập hồ sơ, cách thức quản lý vùng trồng nên đủ điều kiện để đăng ký cấp mã số.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường hướng dẫn cho các chủ vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện các quy trình phòng trừ sâu bệnh hại trên một số cây ăn quả chủ lực như sầu riêng, chanh dây để xuất khẩu.

Sở NN-PTNT cũng thực hiện xây dựng quy trình giám sát dư lượng về thuốc BVTV cho cây sầu riêng và cây chanh dây. Đơn vị thực hiện giám sát chặt chẽ các vùng trồng đã được cấp mã số cũng như khắc phục kịp thời các nhược điểm; ngăn ngừa các trường hợp gian lận mã số…

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mã số vùng trồng giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO