Lo ngại mất an toàn từ các công trình thủy lợi

Văn Tâm| 17/07/2020 09:32

Toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 200 công trình thủy lợi lớn, nhỏ phục vụ tưới, tiêu cho hàng chục ngàn ha cây trồng. Thế nhưng, có những công trình thủy lợi lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

ADQuảng cáo

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 vừa mới được ngành Nông nghiệp tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, an toàn hồ đập có ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống thiên tai.

Bộc lộ những vấn đề cần quan tâm 

Nói đến những thiệt hại trong sản xuất, mới đây, tại xã Cư K’nia (Cư Jút) xuất hiện nhiều trận mưa làm hơn 40 ha lúa mới gieo sạ ở cánh đồng thôn 1, 2, 3 và 4 bị ngập úng. Ông Trần Văn Toàn ở thôn 1 cho rằng, mưa lớn mà làm ngập cả cánh đồng là hết sức bất thường. Bởi vì, từ trước đến nay, các cánh đồng trên địa bàn chưa gặp tình trạng này. 

Do mưa lớn và hệ thống kênh mương không đáp ứng được việc tiêu úng nên nước tràn vào ruộng lúa của người dân xã Cư K’nia (Cư Jút)

Theo ông Đỗ Duy Nam, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cư Jút, mưa với lượng lớn, nhưng hệ thống kênh mương không đáp ứng được việc tiêu úng nên nước tràn vào ruộng lúa. Chưa kể, kênh mương lâu ngày bị bồi lấp đã làm hẹp dòng chảy, khiến việc thoát nước chậm hơn…

Tại công trình hồ thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song), vào ngày 30/8/2019 đã gặp sự cố lớn. Vào thời điểm mưa lớn, dưới mang cống xuất hiện một dòng nước thấm mạnh chảy luồn qua. Sự việc này buộc đơn vị quản lý hồ phải mở tối đa khẩu độ cống để xả nước trong hồ.

ADQuảng cáo

Liên quan đến sự cố ở công trình hồ thôn 2, xã Trường Xuân, ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song nêu bất cập, đơn vị quản lý làm không tốt công tác dự báo, điều tiết nước, nên lưu lượng nước về vượt sức chịu đựng của hồ là điều dễ hiểu...

Ông Lê Viết Sinh phân tích thêm, phần lớn các đợt thiên tai xảy ra tại địa phương, nhiều người quy cho hiện tượng thời tiết. Tuy nhiên, có một phần do con người. Đó là khi đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, ngành chuyên môn không tính toán khả năng dự báo lũ sẽ xảy ra. Chưa kể, chất lượng và quy mô công trình không phù hợp với thực tiễn, điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, địa phương. "Vấn đề này lâu nay ít ai quan tâm. Bởi vì, cứ có công trình là làm", ông Sinh cho biết.

Cứ vào đầu mùa khô, mực nước trong đập thủy lợi thị trấn Đức An (Đắk Song) lại hạ thấp hơn cống lấy nước hàng chục mét

Phải khẩn trương đánh giá an toàn hồ đập 

Ông Lê Viết Thuận, Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông chỉ ra, việc kiểm định an toàn hồ chứa chưa triển khai được. Nhiều hồ chứa, đập đất bị thấm, biến dạng mái đập, tràn xả lũ hư hỏng, xói lở... có nguy cơ mất an toàn khi mưa lũ bất thường xảy ra.

Cũng theo ông Thuận, đến nay, các quy trình vận hành hồ đập đã được phê duyệt không còn phù hợp và mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng biểu đồ điều phối kho nước, không tham gia cắt giảm lũ hạ du, không đón lũ. Đối với hồ chứa hiện vẫn chưa có quy trình vận hành điều tiết, chủ yếu là tràn tự do, điều tiết bằng cống lấy nước…

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ngoài việc kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các đơn vị, địa phương thì công tác tổ chức kiển tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ đập phải được thực hiện khẩn trương. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại mất an toàn từ các công trình thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO