Lãng phí tài nguyên đất: Nhìn từ các cụm công nghiệp

Lê Dung| 30/11/2015 14:11

Trong số 5 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch thì có 3 CCN đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay, ở các CCN này vẫn khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư. Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là do các nhà đầu tư thực hiện dự án hạn chế về năng lực trong đầu tư hạ tầng cũng như phương án thu hút dự án.

ADQuảng cáo

Kỳ II: Cần những nhà đầu tư có năng lực

HẠ TẦNG THIẾU ĐỒNG BỘ, GIÁ THUÊ CAO

Theo ông Ngô Thế Tùng, Phó Giám đốc Sở Công thương thì nguyên nhân của việc các CCN thu hút đầu tư kém một phần là do hạn chế về hạ tầng và giá thuê đất quá cao khiến doanh nghiệp đắn đo trong thuê mặt bằng triển khai dự án.

Được biết, trong số các CCN trên thì CCN Thuận An là đơn vị thu hút doanh nghiệp vào đầu tư dự án khá nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, vì thiếu vốn nên đến nay, nhiều hạng mục công trình tại CCN vẫn còn dang dở và không có nguồn để thanh toán cho các nhà thầu, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.

Nhiều đoạn đường nội bộ trong CCN Thuận An (Đắk Mil) đầu tư dang dở

Một số hạng mục cấp thiết trong CCN cũng chưa được đầu tư xây dựng như hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước. Trong đó, hệ thống thoát nước mặt chưa được xây dựng nên nước chảy tràn gây xói lở mặt bằng, hư hỏng đường giao thông và chảy xuống các hộ dân thôn Thuận Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Trong khi đó, kinh phí cho việc khai thông, phát quang, nạo vét mương máng tạm thời cũng không có.

Theo Trung tâm Phát triển CCN Thuận An thì tính đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư theo giá trị đã được phê duyệt quyết toán và đang thực hiện tại CCN ước đạt hơn 32 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đã được bố trí là hơn 24,7 tỷ đồng, gồm: vốn tạm ứng ngân sách tỉnh: 16 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp: 1,5 tỷ đồng và ngân sách huyện cấp hơn 7,2 tỷ đồng. …

Tương tự, CCN Quảng Tâm (Tuy Đức) được giao cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận làm chủ đầu tư với diện tích 35 ha. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ xây dựng dang dở được một số hạng mục nhỏ.

Được biết, bên cạnh việc hạ tầng kém thì giá thuê đất tại các CCN hiện cũng đang ở mức khá cao. Đơn cử như ở CCN Thuận An (Đắk Mil), giá thuê đất hiện tại được tính là 2.278 đồng/m2/năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đơn giá tạm thời với mức giá thuê đất thô. Khi hạ tầng được hoàn thiện, CCN mới có mức giá cho thuê đất chính thức.

Ông Trương Văn Lập, hộ kinh doanh thuê đất tại CCN cho biết: “Hiện nay, đơn vị đang thuê với diện tích đất là 700m2 tại CCN để trưng bày và bán các loại cây cảnh. Đơn vị cũng đã thực hiện đóng tiền thuê đất tạm thời dưới hình thức 5 năm một lần. Tuy nhiên, so với điều kiện thực tế thì giá thuê đất trên vẫn còn ở mức cao, mặc dù đã được giảm một lần trước đó”…

Còn đối với CCN BMC (Đắk Glong), giá cho thuê đất ban đầu được chủ đầu tư đưa ra cũng không thấp, với 0,4USD/m2/năm cùng với các điều kiện như tiền thuê đất được thu trong vòng 15 năm kể từ ngày bàn giao đất; tiền đặt cọc thuê đất trước khi ký hợp đồng với mức là 1 tỷ đồng đến mức thấp nhất là 500 triệu đồng. Trong khi đó, phí sử dụng dịch vụ trong CCN chưa được cụ thể, nhất quán và minh bạch dẫn đến hạn chế về thu hút đầu tư trong cụm…

Cụm công nghiệp BMC (Đắk Glong) được đầu tư hoàn thiện nhất về hạ tầng nhưng chưa thu hút được các nhà đầu tư

ADQuảng cáo

NHÀ NƯỚC ĐÃ VÀO CUỘC

Trong thời gian qua, để bảo đảm tính hiệu quả khi đầu tư các CCN và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào triển khai dự án, tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.

Theo đó, về phía tỉnh cũng đã có Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND và Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 15% kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong hàng rào CCN; đồng thời, hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông nối từ trục đường chính đến chân hàng rào CCN.

Gần đây nhất, về phía Trung ương cũng đã có Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg, ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, quy định cụ thể, mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ tối đa 50 tỷ đồng trong vòng 5 năm để hỗ trợ đầu tư hạ tầng các CCN.

Và để được “hưởng lợi” từ chính sách trên, vừa qua, tỉnh cũng đã đề nghị với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 50 tỷ đồng, trong giai đoạn 2016-2020 cho CCN Thuận An, để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện về hạ tầng, góp phần đẩy mạnh việc thu hút các dự án đầu tư.

Đối với các dự án chậm tiến độ, hiệu quả kém, về phía tỉnh vừa qua cũng đã có động thái quyết liệt trong việc thu hồi Dự án CCN Quảng Tâm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận, mặc cho chủ đầu tư vẫn đang còn “thiết tha” muốn thực hiện dự án.

Theo đó, mọi chi phí liên quan tới dự án, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm. Còn đối với các CCN đã được đầu tư bài bản về hạ tầng nhưng không thu hút được nhà đầu tư vào triển khai dự án thì ngành Công thương cũng đang tham mưu cho tỉnh sớm thành lập Trung tâm phát triển và bố trí biên chế để tiếp tục triển khai xây dựng và thu hút các dự án đầu tư.

CẦN NHÀ ĐẦU TƯ CÓ TÂM HUYẾT, ĐỦ NĂNG LỰC

Trước những vướng mắc trên của các CCN, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đã tổ chức các cuộc gặp gỡ để cùng tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên xem ra về phía các chủ đầu tư vẫn chưa toàn tâm toàn ý trong việc phối hợp triển khai thực hiện.

Cụ thể như với Dự án CCN Quảng Tâm, theo Giấy chứng nhận đầu tư thì thời gian thực hiện dự án trong vòng 2 năm (2012-2013). Tuy nhiên, không chỉ quá thời hạn, trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư đã tạm ngưng hoạt động một thời gian dài mà không hề có thông báo cho chính quyền.

Điều đáng nói, thời gian qua, UBND huyện Tuy Đức đã nhiều lần hoàn lại cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận nhưng đều không được. Vì thế, UBND huyện Tuy Đức đã đề xuất UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư đối với đơn vị này. Còn đối với CCN BMC Đắk Ha, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút đầu tư, ngành Công thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ với chủ đầu tư yêu cầu tính toán, xác định lại giá đất.

Sau khi bàn bạc, chủ đầu tư dự án cũng đã thống nhất, hạ giá thuê đất xuống còn 0,35USD/m2/năm, nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy thông báo chính thức bằng văn bản để ngành có cơ sở thông tin cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu. Ông Tùng cũng cho biết thêm, có một điều rất “lạ” ở đây là chủ đầu tư bỏ ra một số tiền lớn (51 tỷ đồng) như thế để đầu tư, kinh doanh hạ tầng, nhưng dường như lại không mặn mà và chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư và triển khai dự án?

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, trong thời gian tới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư thì tỉnh cũng cần chặt chẽ hơn trong việc lựa chọn các doanh nghiệp, chủ đầu tư có tâm huyết, đủ năng lực về đầu tư kinh doanh hạ tầng cũng như thực hiện dự án tại các CCN. Đừng để “sự đã rồi” mới tìm hướng giải quyết, gây ra những lãng phí, hệ lụy không đáng có.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí tài nguyên đất: Nhìn từ các cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO