Kỳ vọng sự đột phá mới cho tăng trưởng công nghiệp

Đức Diệu| 18/09/2018 11:10

Sau gần 15 năm kể từ ngày Đắk Nông thành lập (1/1/2004-1/1/2019), một trong những điểm sáng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về chất cũng như lượng cho nền kinh tế tỉnh nhà đó là sản xuất công nghiệp. Không chỉ chuyển dịch mạnh về tỷ trọng, công nghiệp đang ngày càng thể hiện rõ vai trò là “trục” kinh tế mũi nhọn trong phát triển của Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Trong những năm đầu thành lập, công nghiệp Đắk Nông được biết đến chỉ với một số cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ với tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế khiêm tốn. Tuy nhiên, sau nhiều năm, ngoài việc các khu, cụm công nghiệp hình thành và đi vào hoạt động, sản phẩm và giá trị sản xuất công nghiệp Đắk Nông cũng không ngừng được nâng lên nhờ sự góp mặt của nhiều sản phẩm mới với kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá về tăng trưởng.

Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông đi vào hoạt động sẽ đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. (Trong ảnh: Thi công khẩn trương trên công trường của Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông). Ảnh: Lê Phước

Tăng nhanh về tỷ trọng và giá trị

Đánh giá của Sở Công thương mới đây cho thấy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo đúng định hướng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển thủy điện. Lĩnh vực này cũng đang hòa nhập khá nhanh bằng việc đẩy mạnh ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2018, công nghiệp Đắk Nông đang ghi nhận sự bứt phá khá ngoạn mục về tỷ trọng lẫn giá trị do có sự đóng góp của một số sản phẩm mới.

Cụ thể, trong 2 năm (2016-2017) và dự kiến kết quả thực hiện năm 2018, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 29%. Trong đó, riêng năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất với 76,8% do có sự đóng góp của sản phẩm mới alumin. Từ đây, giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2016-2018 ước đạt 24.179 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này là 22,6%/năm. Riêng năm 2018, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.750 tỷ đồng, tăng 1,8  lần so với năm 2015.

Với sự góp mặt của sản phẩm alumin và một số sản phẩm chủ lực khác đã đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo “lên ngôi” về tăng trưởng cũng như giá trị đóng góp cho ngành công nghiệp. Chỉ tính giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 32,3%/năm và chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tiếp đến là công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, hơi nước với tốc độ tăng trưởng bình quân 28,7%/năm...

Ngoài nguyên nhân khách quan, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp có sự đột phá mạnh còn cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang ngày càng cải thiện. Các chính sách và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã tác động tính cực đến sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, nắm bắt thị trường và tăng cường hoạt động tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.

ADQuảng cáo

Đơn cử như so với năm 2015, dự kiến nhiều sản phẩm công nghiệp trong năm 2018 đều có mức tăng trưởng cao. Cụ thể như sản phẩm ván MDF và ván dán dự kiến trong năm 2018 tăng gấp 2 lần so với năm 2015; điện sản xuất đạt 1.450 triệu kwh, tăng 32%; điện thương phẩm đạt 528 triệu kwh, tăng 55,3%; cao su đạt 11.000 tấn, tăng 42,85%; bồn inox, bồn nhựa đạt 51.800 sản phẩm, tăng 67,1% so với năm 2015… Đặc biệt, trong năm 2018, sản phẩm alumin dự kiến đạt 580.000 tấn, với giá khá cao như hiện nay cũng sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp.

Từ đây cho thấy, giai đoạn 2016-2018, tuy tổng giá trị sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra (đạt 24.179/30.375 tỷ đồng) do 2 dự án lớn là Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Điện phân nhôm Đắk Nông đều chậm so với kế hoạch song kết quả trên chính là tiền đề, cơ sở để chúng ta tự tin về một giai đoạn tăng trưởng khả quan tiếp theo của nền công nghiệp tỉnh nhà.

Bắt đầu chu kỳ tăng trưởng nhanh và ổn định

Nếu như giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng công nghiệp thiếu ổn định do một số dự án lớn chậm tiến độ và giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu thì những năm tiếp theo, biểu đồ tăng trưởng công nghiệp dự báo sẽ ít “gập ghềnh” hơn.

Ngoài Nhà máy Aulmin Nhân Cơ đang trong giai đoạn sản xuất ổn định thì trong giai đoạn tới, sẽ có những sản phẩm công nghiệp mới kỳ vọng đóng góp lớn cho tăng trưởng vào giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Cụ thể, Dự án Điện phân nhôm Đắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 690 triệu USD; công suất thiết kế là 450 ngàn tấn nhôm/năm; được chia thành 3 phân kỳ với công suất tương ứng 150 ngàn tấn/năm.

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 2/2015 tại Khu công nghiệp Nhân Cơ và dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành phân kỳ 1, đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 với công suất 150 ngàn tấn nhôm/năm. Cùng với Nhà máy Alumin Nhân Cơ, dự án này đi vào hoạt động sẽ đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác như: Công nghiệp phụ trợ, thương mại, dịch vụ; tài chính ngân hàng; vận tải... phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Chưa kể, gần đây, một vài dự án chế biến nông sản với quy mô lớn đang có những khởi động đầu tư tại Đắk Nông, nếu thành công cũng sẽ kỳ vọng tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Mặt khác, nếu như giai đoạn 2016-2018, chúng ta đã chứng kiến sự “sụt sùi” về giá hồ tiêu, cà phê... thì giai đoạn tới, nhiều người cho rằng lĩnh vực chế biến nông sản sẽ đi vào chuyên sâu, ổn định hơn do các doanh nghiệp và người nông dân tự ứng biến với giá cả bấp bênh bằng việc đầu tư máy móc, chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị cho những mặt hàng này.

Cùng với các sản phẩm như sản xuất điện, bán điện thương phẩm, ván ép và các sản phẩm công nghiệp khác dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, theo Sở Công thương, kịch bản cho tăng trưởng về chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 là 16,2% và năm 2020 là 35,5% do có sự góp mặt của sản phẩm nhôm. Để duy trì một kịch bản tăng trưởng tịnh tiến ở mức ổn định cao, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm đưa công nghiệp phát triển đúng định hướng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên lộ trình phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng sự đột phá mới cho tăng trưởng công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO