Krông Nô có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đức Hùng| 23/09/2019 14:57

Hiện nay huyện Krông Nô đang nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả và hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững.

ADQuảng cáo

Lúa RVT danh tiếng

Năm 2017, gia đình ông Đinh Đăng Linh, ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) tham gia sản xuất lúa RVT theo quy trình VietGAP trên diện tích 5 ha. Ông Linh cho biết, sản xuất lúa RVT, gia đình được hướng dẫn kỹ thuật, cách bón phân, làm cỏ, ghi nhật ký chăm sóc, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất lúa giống RVT đạt năng suất, sản lượng và giá bán cao hơn các giống lúa thường. Cụ thể, sản lượng cao hơn từ 1- 2 tấn/ha, giá bán tăng hơn từ 500 - 1.000 đồng/kg so với các giá lúa khác trên thị trường.

Nông dân Buôn Choáh (Krông Nô) thu hoạch lúa RVT

Tương tự, gia đình bà Vy Thị Mai, ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh cũng đưa giống lúa RVT vào canh tác trong vụ đông xuân năm 2017. Hiệu quả kinh tế mang lại thấy rõ khi 1,8 ha lúa của gia đình bà cho năng suất 8,4 tấn/ha, cao hơn gần 2 tấn so với các giống lúa khác trước đây bà canh tác. Bà Mai cho biết, việc sản xuất lúa RVT và áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP lúc đầu gặp khá nhiều khó khăn, nhưng qua quá trình sản xuất, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên việc sản xuất theo quy trình đã trở nên dễ dàng, hiệu quả kinh tế cũng được nâng lên.

Năm 2017, tổ hợp tác sản xuất lúa theo hướng VietGAP thôn Ninh Giang được thành lập với 33 hộ, sản xuất trên diện tích gần 40 ha, sản lượng đạt khoảng 545,8 tấn/năm. Cuối tháng 12/2018, các hộ này được Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 (Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.

Các hộ dân thôn Ninh Giang đồng loạt đưa giống lúa RVT vào sản xuất là kết quả của quá trình khảo nghiệm, nhân rộng mô hình sản xuất lúa RVT theo quy trình VietGAP được huyện Krông Nô triển khai từ vụ đông xuân năm 2012. Cụ thể, vụ đông xuân năm 2012, huyện Krông Nô triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lúa nước tại  thôn Ninh Giang và Bình Giang, xã Buôn Choáh, với diện tích 34,1 ha, có 27 hộ tham gia. Kinh phí thực hiện mô hình là 280 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện.

Mô hình đã sử dụng giống lúa RVT, giống lúa mới cho năng suất chất lượng cao. Qua mô hình đã đánh giá được sự thích nghi của giống lúa RVT trên cánh đồng xã Buôn Choáh. Giống lúa này có khả năng kháng và chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại Krông Nô và cho năng suất  trung bình 7,5 tấn/ha, chất lượng hạt gạo dẻo, thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn các giống lúa khác tại địa phương.

ADQuảng cáo

Sau khi mô hình kết thúc người dân đã tổ chức nhân rộng giống lúa RVT ra đại trà, diện tích tăng qua các năm và đến thời điểm hiện tại đã chiếm trên 80% diện tích lúa của Buôn Choáh, với khoảng 150 ha mỗi vụ. Hiện nay, Buôn Choáh đã tạo ra vùng hàng hóa lúa gạo tập trung với việc các hộ dân sản xuất cùng một loại giống lúa RVT. Lúa RVT đã được cấp nhãn hiệu tập thể "Lúa gạo Krông Nô" và đang từng bước khẳng định danh tiếng, tạo chỗ đứng trên thị trường.

Ngô giống F1 và mô hình liên kết 4 nhà

Vụ hè thu năm 2012, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty CP Việt Nam tiến hành khảo nghiệm, sản xuất, đánh giá tiềm năng phát triển các giống ngô F1. Mô hình này được triển khai trên diện tích 0,2 ha tại xã Đức Xuyên. Trong quá trình trồng và chăm sóc, các giống ngô F1 đều phát triển tốt, không xuất hiện sâu bệnh hại. Cụ thể, giống ngô 8411 năng suất trung bình đạt 8 tấn/ha; giống 8416 và 8417 đạt từ 8 - 9 tấn/ha. Các giống ngô này đều cho lãi từ 40 - 70 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với ngô thương phẩm khoảng 20 - 40 triệu đồng/ha/vụ.

Mô hình trồng cây Sâm Cau thí điểm tại hộ gia đình ông Ngô Văn Dật, thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr (Krông Nô)

Khi tham gia mô hình sản xuất ngô F1, nông dân được hỗ trợ 100% giống, một phần thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu và được mua phân bón trả chậm. Công ty CP Việt Nam tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô cho các hộ dân. Do đặc điểm sản xuất giống ngô lai F1 yêu cầu phải có sự liên kết sản xuất, nên các hộ tham gia sản xuất được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ với giá 6.400 - 9.100 đồng/kg tính cả cùi ngô. Ngoài ra, người dân còn được các khoản thưởng trong quá trình sản xuất nếu như phun thuốc bảo vệ thực vật, rút cờ theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; vận chuyển về điểm cân tập trung, làm sạch vỏ và râu tổng cộng 400 đồng/kg.

Nhiều mô hình khác đã được khảo nghiệm

Thời gian qua ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đã đưa các mô hình nông nghiệp vào khảo nghiệm, đánh giá và định hướng nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình: phát triển cây đinh lăng, quýt, nấm linh chi; bảo tồn và phát triển cây sâm cau; nuôi cá lồng trên sông… Qua đánh giá bước đầu cho thấy đây là các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp điều kiện phát triển nông nghiệp tại địa phương, giàu tiềm năng để đầu tư nhân rộng.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô cho biết, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp với cây trồng mới nhằm mục tiêu bổ sung nguồn cây giống để người dân dần thay thế bộ giống cây trồng đã sử dụng lâu năm trên đồng ruộng, có dấu hiệu thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu tại địa phương. Nhiều sản phẩm từ các mô hình đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, giúp nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường. 

Đây là mô hình liên kết điển hình giữa 4 nhà gồm nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học và được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho các hộ tham gia. Từ hiệu quả và lợi nhuận mang lại diện tích trồng ngô F1 liên tục được mở rộng qua các năm, đến nay đã triển khai được hơn 200 ha/năm. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO