Khắp nơi ra quân đầu năm: Phấn khởi và kỳ vọng

Bài, ảnh: P.V| 11/02/2019 10:50

Sau những ngày vui xuân, đón tết, các hộ nông dân, doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc với khí thế, niềm tin và kỳ vọng mới.

ADQuảng cáo

Nông dân đầu năm hứng khởi ra đồng

Sáng mồng Ba tết, trong khi nhiều gia đình đang du xuân, chúc tết thì gia đình ông Nguyễn Phiếu, tổ 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghiã) đã vào rẫy để tưới nước cho cà phê.

Mùng Ba Tết Kỷ Hợi, ông Nguyễn Phiếu, tổ 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) tưới nước đợt 2 cho vườn cà phê

Ông Phiếu chia sẻ: Chưa hết tết, nhưng thăm vườn thấy cà phê rủ lá nên vợ chồng tôi phải tưới nước sớm để cà phê  bung hoa. Trước tết, gia đình tôi đã tưới một đợt nước nhưng năm nay trời nắng quá nên phải kịp thời bổ sung nước cho cây nở hoa đều với hy vọng cây cà phê phát triển tốt, mùa màng thuận lợi.

Hòa cùng không khí đón một mùa xuân mới tốt lành, nông dân phấn khởi bắt đầu mùa vụ 2019. Thời tiết thuận lợi, được mùa, được giá là mong muốn chung của tất cả bà con.

Bà Kiều Thị Lân, tổ 4, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết: “Năm mới này mong điều kiện thời tiết thuận lợi để nông dân đẩy mạnh sản xuất, tạo đà phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tốt hơn. Tôi cũng cầu mong giá cả ổn định”.

Gia đình bà Lân hiện có gần 1 ha hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ nên vườn cây phát triển khá tốt, năng suất ước đạt khoảng 2,5 tấn/1 ha. Để nâng cao giá trị sản phẩm, trước tết bà đã hái một lượt những cây chín, sau đó vườn chín đồng đều thì mới thuê nhân công hái toàn bộ.

Cùng với các loại cây công nghiệp dài ngày, sau tết cũng là thời điểm nông dân tập trung chăm sóc các loại cây ngắn ngày vụ đông xuân. Chị Nguyễn Thị Oanh ở thôn Thuận Sơn, xã Thuận An (Đắk Mil) hiện trồng 5 sào rau xanh.

Theo chị Oanh, nông dân trồng rau như chăm con mọn, nên chỉ nghỉ được ngày mồng Một, chiều mồng Hai tết, chị đã ra vườn tưới nước, nhổ cỏ và hái rau chuẩn bị cho bữa chợ sáng mồng Ba. Bởi theo kinh nghiệm của chị, nhiều gia đình sẽ làm lễ hóa vàng, cúng tổ tiên vào ngày này nên rau xanh rất dễ bán. Theo đó, để chuẩn bị được nguồn rau cho những ngày đầu năm, chị đã gieo hạt, chăm sóc từ trước tết với phương châm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng để bảo đảm rau an toàn cho người sử dụng. “Đầu năm, mang những bó rau tươi ngon ra chợ bán một lúc là hết vèo, nhất là các loại rau ăn sống, rau thơm nên tâm lý cũng phấn khởi, cầu mong cả năm được mùa, được giá”, chị Oanh tâm sự.

Những ngày đầu năm mới này, chúng tôi trở lại khu vực Bãi Bằng, bon Bu Pas, xã Trường Xuân (Đắk Song) để chứng kiến không khí ra đồng của bà con nơi đây. Gặp anh Nguyễn Văn Thanh, người đang trồng gần 7 sào rau màu đang thời kỳ thụ phấn. Theo quan niệm ăn tết xong người ta ra đồng chỉ để “lấy ngày tốt”, nhưng đối với anh Thanh, ngày ra đồng năm nay của anh hết sức tất bật và khẩn trương. Bởi năm nay, gia đình anh chuyên trồng bí lấy hạt theo quy chuẩn VietGAP. Không chỉ việc tuân thủ quy trình tưới nước, bón phân khác với cách làm thông thường mà việc áp dụng phương pháp thụ phấn nhân tạo để sản xuất hạt giống bảo đảm yêu cầu đối với anh cũng không phải đơn giản.

Anh Thanh cho biết: “Tết năm nay gia đình tôi chỉ nghỉ ở nhà hai ngày để đi thăm họ hàng. Qua ngày mùng Ba tết là cả nhà ra đồng để thụ phấn cho ruộng bí. Hai đứa con đi học về cũng theo cha mẹ ra đồng làm việc nên tôi cũng thấy rất vui”.

Theo anh Thanh, những ngày đầu xuân nắng ấm, ruộng bí ra hoa rất đều và đài hoa cứng cáp. Vì vậy, việc thụ phấn cho hoa dễ dàng, hy vọng chất lượng đậu quả đạt cao. Anh Thanh cho biết thêm: “Trồng bí lấy hạt thì công việc thụ phấn là bắt buộc vì quá trình thụ phấn không diễn ra tự nhiên qua ong, bướm. Người trồng phải thực hiện với từng hoa một”.

Theo đó, vườn bí được trồng 100% là hoa cái, còn hoa đực do đơn vị ký hợp đồng với nông dân cung cấp. Mỗi ngày, anh Thanh nhận từ công ty sản xuất hoa đực ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) vài trăm bông hoa đực. Quá trình thụ phấn chỉ diễn ra từ 5 giờ đến 10 giờ sáng là kết thúc nên công việc rất khẩn trương. Vì để quá khung giờ này quá trình thụ phấn sẽ không thành công. Với vườn bí hơn 7 sào, mỗi dây bí cho ra trung bình từ 2 – 3 bông/ngày, kéo dài trong 20 ngày, vườn bí anh Thanh luôn có 2 – 3 người làm việc thụ phấn cho hoa.

Bên cạnh vườn bí của anh Nguyễn Văn Thanh là vườn dưa leo của anh Phan Quốc Hùng tại Bãi Bằng. Vụ này anh Hùng xuống giống 4 sào dưa, đến thời điểm này ruộng dưa đã bắt đầu bám giàn. Anh Hùng cho biết: “So với mọi năm thì năm nay nông dân ra đồng sớm hơn. Sau mấy ngày nghỉ tết, những ngày ra đồng đầu năm có nhiều việc phải làm hơn. Chí ít thì nhà nông cũng kiểm tra đồng ruộng xem có phát sinh về sâu bệnh để xử lý kịp thời, giúp cây phát triển, không ảnh hưởng đến năng suất sau này”.

Với thời tiết thuận lợi, anh Phan Quốc Hùng ở thôn 4, xã Trường Xuân (Đắk Song) hy vọng vườn dưa leo sẽ mang lại thu nhập khá. Ảnh: Văn Tâm

Hòa cùng không khí đón một mùa xuân mới tốt lành, nông dân phấn khởi bắt đầu mùa vụ 2019. Thời tiết thuận lợi, mùa vụ bội thu, được giá là mong muốn chung của tất cả bà con.

Anh Hoàng Văn Sơn ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho hay: “Năm mới này mong điều kiện thời tiết ôn hòa chứ không nắng nóng, khô hạn nhiều để cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định, giúp nông dân thuận lợi trong việc làm ăn, phát triển kinh tế trong năm mới tốt hơn”.

Còn đối với các hộ trồng hồ tiêu, cà phê thì mặc dù giá cả sau tết vẫn chưa thay đổi nhiều nhưng bà con vẫn ra đồng chăm sóc vườn cây với sự tin tưởng vào thị trường năm tới. Anh Võ Văn Phước ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) mong muốn: “Hy vọng sắp tới, nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp có sự hợp tác bền chặt hơn để giá cả nông sản ổn định theo hướng có lợi cho nông dân. Trong đó, quan trọng là nhà nước phải có phương án, chính sách để tạo đầu ra chắc chắn cho các mặt hàng nông sản. Từ đó, chúng tôi mới yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Những ngày này, không chỉ trong mỗi ngôi nhà, đường phố mà không khí rộn rã đón xuân còn lan tỏa trên những ruộng lúa, vườn cây. Một mùa xuân nữa đã về, hy vọng những mùa vụ 2019 sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan như tâm thế ra quân đầu năm đầy hứng khởi của bà con nông dân.

Theo thống kê, vụ đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh xuống giống được khoảng 9.700 ha cây trồng các loại, phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực có hạt được khoảng 49.800 tấn. Để đạt được kế hoạch này, trước, trong và sau tết, ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng đã sát cánh cùng nông dân đẩy nhanh thời vụ, sử dụng cơ cấu giống phù hợp với những điều kiện khí hậu khác nhau. Trong đó, các giống lai, ngắn ngày được sử dụng đại trà nhằm thu hoạch vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4/2019. Qua theo dõi, hiện nay, các loại cây trồng chính như lúa, ngô, rau xanh đều đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.

Doanh nghiệp phấn chấn ra quân đầu năm

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đầm ấm, vui vẻ, những ngày đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, có nhiều đơn vị còn làm việc xuyên tết, với mong muốn gặt hái được nhiều thành công trong năm mới 2019.

ADQuảng cáo

Ngày mồng Năm tết, tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp), sau khi dự hội nghị khai xuân trực tuyến do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam tổ chức, nhiều cán bộ, kỹ sư trong nhà máy lại bắt tay vào công việc của mình. Tại nhiều phân xưởng sản xuất, đội ngũ nhân viên, công nhân luôn thay ca nhau trực xuyên tết.

Nhân viên Phân xưởng Điều hành sản xuất (Nhà máy Alumin) vẫn trực điều hành trong những ngày tết

9 giờ sáng, ngày mồng Năm tết, tại phân xưởng Kết tinh (Nhà máy Alumin Nhân Cơ), hơn 10 kỹ sư, công nhân vẫn túc trực và theo dõi từng chỉ số vận hành trong dây chuyền sản xuất. Được xem là phân xưởng trung tâm trong hệ thống dây chuyền sản xuất sản phẩm alumin nên việc bảo đảm hệ thống vận hành xuyên suốt được đội ngũ kỹ sư, công nhân tại phân xưởng tập trung, không lơ là, ngay cả trong những ngày tết. Cũng giống như nhiều công nhân tại đây, 3 năm liền, chưa năm nào anh Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên Phân xưởng Kết tinh được đón tết cùng với gia đình, người thân. Dù vậy anh thấy tự hào khi được cùng với anh em trong phân xưởng góp sức mình cho thành công của công ty.

Anh Hùng chia sẻ: “Với công việc đặc thù là làm việc ngay cả trong những ngày tết nên tinh thần của anh em trong phân xưởng là làm việc hết mình, phát huy hết trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, những ngày tết, Ban Giám đốc Công ty đã gặp gỡ động viên, khích lệ tinh thần nên chúng tôi càng phấn khởi, yên tâm làm việc”.

Cũng với không khí làm việc sôi nổi, khẩn trương không kém, tại Phân xưởng Trạm mạng, hàng chục kỹ sư, công nhân tại đây thay nhau trực để bảo đảm nguồn điện thông suốt cung cấp cho tổ hợp hoạt động. Anh Lê Quốc Hùng, Quản đốc Phân xưởng Trạm mạng cho biết: Trong dịp tết năm hay, ngoài mức lương thực nhận, trung bình mỗi công nhân tại phân xưởng được công ty chi các khoản thu nhập trên 25 triệu đồng. Đời sống, thu nhập của anh em ngày càng được cải thiện nên ai nấy yên tâm làm việc, công tác tốt. Về công tác chuyên môn trong những ngày tết, phân xưởng đã thực hiện theo đúng phương thức vận hành chung của Trung tâm Điện Miền Trung và phương thức vận hành riêng do công ty ban hành. Trong 5 ngày tết vừa qua, toàn bộ tổ hợp được cung cấp điện ổn định, an toàn, không có sự cố nào xảy ra.

Còn tại phân xưởng Điều hành sản xuất, nơi được mệnh danh là “nhạc trưởng” của toàn hệ thống sản xuất sản phẩm alumin, không khí làm việc khá sôi nổi. Gần 15 công nhân thay ca nhau trực trong 5 ngày tết. Được biết, sau gần 3 năm nhà máy đi vào hoạt động cũng là khoảng thời gian mà đa phần các công nhân tại đây đón tết xa gia đình.

Anh Trần Văn Toản, nhân viên Phân xưởng Điều hành sản xuất chia sẻ: “Quê mình tận ngoài Bắc. Đã 3 năm rồi, năm nào cũng đón tết ngay tại nơi làm việc. Mặc dù không được đón tết cổ truyền bên gia đình, người thân và bạn bè, nhưng với sự quan tâm, động viên và các chế độ đãi ngộ của Ban giám đốc công ty, công đoàn nên chúng tôi thấy ấm áp hơn. Ngoài tiền thưởng tết, bình quân thu nhập năm 2018 của chúng tôi tăng từ 20-25% so với năm 2017. Điều này chính là nguồn động viên để chúng tôi cống hiến trong công việc”.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà máy Alumin Nhân Cơ cho biết, do đặc thù của tổ hợp sản xuất alumin là không có thời gian dừng nên trong dịp Tết Kỷ Hợi, công ty đã bố trí lịch trực liên tục cho cán bộ, công nhân viên và có chế độ ăn uống tại chỗ. Trong các ngày 30 và sáng mồng Một tết, Giám đốc, Chủ tịch công đoàn, các ban, ngành, đoàn thể trong công ty đã đi chúc tết, hỏi thăm, động viên anh em tại từng vị trí trực tết. Nhờ đó, những ngày đầu của Tết Kỷ Hợi vừa qua, nhà máy luôn duy trì hoạt động sản xuất liên tục. Sản lượng sản xuất luôn duy trì ở mức 100% công suất. Qua hơn 5 ngày tết vừa qua, đơn vị đã sản xuất được 12.980 tấn alumin quy đổi trong tổng số 650.000 tấn alumin quy đổi như mục tiêu đề ra trong năm 2019.

Không làm việc “xuyên” tết như tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, nhưng sau những ngày nghỉ tết cổ truyền, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng đã chọn ngày đẹp để ra quân đầu năm. Tại Siêu thị Co.opmart Đắk Nông, đơn vị đã mở cửa vào sáng mùng Bốn tết để đón nhiều lượt khách vào mua sắm. Hầu hết các mặt hàng bày bán đều có giá cả tương đối ổn định.

Ngoài giá cả được bình ổn, nhân dịp khai xuân, đơn vị còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, kèm theo nhiều quà tặng hấp dẫn như: Đắc lộc khai xuân áp dụng từ ngày 7-20/2/2019; Thần tài gõ cửa; Cả nhà khai xuân áp dụng từ 8-10/2/2019…

Cùng với chương trình khuyến mãi, đối với những khách hàng mua sắm với trị giá từ 400 ngàn đồng trở lên sẽ được nhận nhiều bao lì xì đầu năm mới. Theo đại diện của Siêu thị Co.opmart Đắk Nông, ngay từ trước tết, đơn vị đã dự trữ nguồn hàng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài nguồn hàng dự trữ, đối với những mặt hàng thiết yếu có sức tiêu thụ lớn như cá, thịt, rau, quả… trong những ngày đầu năm đơn vị đã chủ động liên hệ với hệ thống chính để sẵn sàng nguồn hàng bán cho người dân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hiện nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng đã khởi động khá sôi nổi với khí thế, tinh thần mới để phấn đấu thêm một năm gặt hái nhiều thành công.

Giá thực phẩm tăng nhưng vẫn đắt hàng

Những ngày đầu năm Tết Kỷ Hợi 2019, tại thị xã Gia Nghĩa, các mặt hàng như rau, thịt, cá đều có giá cao hơn ngày thường. Do nguồn hàng khan hiếm và là những nhu cầu cần thiết hàng ngày nên người dân vẫn phải mua.

Sạp rau của gia đình anh Võ Văn Việt ở chợ Gia Nghĩa luôn đắt khách ngày đầu năm

Dạo qua thị trường những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi, chúng tôi nhận thấy tiểu thương đã sớm chọn ngày tốt mở hàng khởi đầu cho việc làm ăn của một năm. Chị Cao Thị Hiền, kinh doanh cá ở chợ Gia Nghĩa cho biết: "Tôi có 30 năm làm nghề bán cá và năm nào cũng chọn ngày tốt đầu tiên của năm để khai trương với hy vọng một năm làm ăn suôn sẻ. Tôi chủ yếu bỏ mối các loại cá nước ngọt nên khách là chủ các nhà hàng, quán ăn, các hộ bán lẻ. Chợ ngày tết thì giá cả có cao hơn chút đỉnh vì nguồn hàng có phần khan hiếm". Đúng như chị Hiền nói, hỏi mua có những người bán cá trắm với giá tới 150.000 đồng/kg, cá lóc khoảng 100.000 đồng/kg.

Các loại rau cũng đắt hơn, gia đình anh Võ Văn Việt mở hàng sạp rau vào ngày mồng Hai tết và luôn đắt hàng. Theo anh Việt, tất cả các loại rau đều cao hơn ngày thường từ 5.000-10.000 đồng/kg. Trong đó, rau muống, hành tây, khoai tây, cà rốt có giá 20.000 đồng/kg; các loại cải và mồng tơi 15.000 đồng/kg; rau cần 15.000 đồng/bó, dứa 20.000 đồng/quả; rau xà lách, cà chua, nấm, rau thơm đều từ 30.000 đồng/kg-45.000 đồng/kg.

Nguồn hàng ít, cộng với nhu cầu cao đã khiến các loại thịt heo, thịt bò, thịt gà và hải sản giá cao. Chị Nguyễn Thị Ánh, chủ vựa hải sản tại chợ nhỏ đường Lê Thị Hồng Gấm cho biết: "Năm nay, tôi bán từ mồng Hai tết và hàng luôn hết sớm. Chẳng hạn như tôm không có hàng bán, tôm sống giá 230.000 đồng/kg nhưng buổi sáng khoảng 8 giờ là hết, khách đặt cọc tiền không dám nhận vì sợ không có hàng. Cá thu ngày thường chỉ 200.000 đồng/kg trở xuống nhưng dịp tết tăng lên 300.000 đồng/kg, còn cá bớp cũng lên đến 230.000 đồng/kg. Chủ mối bỏ giá cao nên mình phải chấp nhận mua với giá cao và bán ra cao".

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, kinh doanh gà tại chợ Gia Nghĩa cho biết, giá gà thịt năm nay tăng vọt, từ ngày mồng Năm tết là 120.000 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ khoảng 80.000 đồng/kg. Nhiều người mua gà để cúng đầu năm nên mỗi ngày chị bán được khoảng 50 kg gà.

Cùng với thịt gà thì thịt bò, thịt heo giá cũng tăng. Điển hình, đến 30 Tết, thịt bò có giá lên đến 300.000 đồng/kg, thậm chí đến 400.000 đồng/kg vẫn không có thịt ngon để mua. Từ mồng Bốn tết, thịt bò có giá 280.000-300.000 đồng/kg nhưng vẫn ít người bán, cao hơn ngày thường rất nhiều.

Thịt heo dịp tết cũng “cháy hàng”. Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Nghĩa Trung cho biết, năm nay, nhiều gia đình đầu năm đi chợ mua thịt heo để cúng và ăn lấy may nhưng ra chợ Gia Nghĩa mua với giá tới 120.000 đồng/kg thịt ba chỉ. Mấy năm trước, chị cũng ít khi trữ thịt vì nghĩ đầu năm chợ đã có nhiều người bán nhưng năm nay giá khá cao so với ngày bình thường.

Có thể nói, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá cả các mặt hàng sau tết năm nay cao hơn bình thường nhưng người tiêu dùng vẫn hy vọng những ngày tới sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắp nơi ra quân đầu năm: Phấn khởi và kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO