Khấm khá nhờ nấm bào ngư

Hồng Thoan| 27/11/2019 09:10

Nhiều năm nay, gia đình bà Phạm Thị Hải, thôn 3, xã Kiến Thành (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) đã trồng thành công nấm bào ngư và đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định.

ADQuảng cáo

Bà Hải cho biết, năm 2013, sau khi đi học tập các mô hình trồng nấm ở Lâm Đồng, Đồng Nai, thấy có thể áp dụng, vợ chồng bà bắt tay vào trồng thử khoảng 1.000 bịch. Thấy nấm phát triển tốt, kỹ thuật không quá khó và có thể cho thu nhập quanh năm, gia đình đã mở rộng quy mô trại, tăng số lượng. Hiện nay, mỗi lứa (từ 3-4 tháng) gia đình có khoảng 20.000- 30.000 bịch nấm bào ngư.

Mỗi ngày bà Hải thu được 30-40 kg nấm để bán ra thị trường

Ưu điểm của nấm bào ngư là có thể làm được quanh năm, không chịu tác động quá nhiều của thời tiết, thiên tai do trồng trong nhà. Tuy nhiên, trồng nấm không đòi hỏi nhiều sức lao động nhưng phải làm việc thường xuyên, liên tục, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, kỹ thuật. Để phát triển sản xuất được lâu dài, bà Hải cho rằng, nhà nông nên chú ý đến các yếu tố về đầu tư nhà trại phải phù hợp từ độ cao; thiết kế nhà để xếp các bịch nấm phù hợp với đặc điểm sinh trưởng.

Cụ thể, độ cao nhà trại khoảng 3,5 m, giàn treo chắc chắn, dây treo nấm buộc từ trên xuống dưới với chiều dài khoảng 2 m. Hàng cách hàng khoảng 50 cm để tiện cho việc chăm sóc, thu hái. Gia đình che chắn trại nấm khá kỹ càng bằng bạt để không bị gió lùa trực tiếp, tạo ánh sáng khuếch tán vừa đủ (có thể đọc sách được), nhiệt độ thích hợp 25-320C để nấm phát triển.

Việc trồng nấm diễn ra nhiều công đoạn, từ trộn các nguyên liệu gồm mùn cưa, cám bắp, cám gạo... đóng vô bịch bóng rồi hấp chín và để nguội. Sau đó cấy meo giống, ủ cho nấm lên và đưa ra giàn chăm sóc, thu hoạch. Các công đoạn đều có những kỹ thuật riêng, nhưng theo kinh nghiệm bà Hải, khâu trộn nguyên liệu là phải rất kỹ lưỡng; độ mịn, tỷ lệ phải phù hợp mới tạo môi trường tốt cho tế bào nấm phát triển. “Muốn nấm ra nhiều, thời gian thu lâu, phải trộn tỷ lệ nguyên liệu là cám bắp, cám gạo nhiều hơn mùn cưa”, bà Hải nhấn mạnh.

ADQuảng cáo

Việc hấp chín nguyên liệu giúp khử trùng, tạo môi trường sạch cho bào tử nấm phát triển, không chịu ảnh hưởng bởi bệnh lây lan từ bên ngoài vào. Cùng với đó, nguồn meo giống cũng phải được mua ở những địa chỉ cung ứng uy tín, sạch bệnh, tỷ lệ ra nấm cao. Khi các bịch nấm đã treo lên dây thì phải chú ý đến việc bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển. Kỹ thuật chính giai đoạn này là bảo đảm độ ẩm qua tưới nước kiểu phun sương. Nước tưới phải bảo đảm sạch, mùa khô tưới 2 lần/ngày, mùa mưa 1 lần/ngày. Gia đình cũng luôn chú ý tới việc sử dụng vôi bột để vệ sinh, khử trùng môi trường xung quanh để cho nấm phát triển an toàn.

Bà Hải tưới nước theo kiểu phun sương để chăm sóc nấm

Với diện tích trại gần 2 sào, mỗi ngày bà Hải thu được 30-40 kg nấm bào ngư để bán cho các đầu mối tại chợ Kiến Đức, chợ Nhân Cơ, chợ Đạo Nghĩa. Giá nấm bào ngư hiện nay khoảng 35.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình bà có thể có nguồn thu nhập (chưa trừ chi phí) từ 1.000.000 - 1.400.000 đồng. Hằng năm sau khi trừ các chi phí, bà cũng có lãi trên 200 triệu đồng nhờ trồng nấm.

Bà Hải cho biết thêm, hiện nay nhu cầu sử dụng nấm ngày càng tăng do đây là nguồn thực phẩm sạch, nhiều dinh dưỡng, quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật nên bà cũng đang dự định tăng thêm quy mô sản xuất. Gia đình cũng sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho những hộ có nhu cầu, tâm huyết học tập để cùng xóa đói, giảm nghèo.

Theo ông Nguyễn Gia Thủy, Chủ tịch UBND xã Kiến Thành, mô hình trồng nấm của gia đình bà Hải đạt hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định. Đây là điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Hiện nay, các đoàn thể hội cũng chú ý tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân học tập, áp dụng để góp phần nâng cao các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, việc làm thường xuyên trong xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khấm khá nhờ nấm bào ngư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO