Khai thác bô xít Đắk Nông: “Trăm nghe không bằng… một thấy”

Đức Diệu| 13/08/2018 10:15

Mang cái “mác” làm báo địa phương, đã không ít lần, bạn bè, người quen phương xa gọi điện hỏi thăm về hoạt động khai thác bô xít ở Đắk Nông. Ngoài những thông tin về dự án, những câu hỏi kiểu như: “bạn đã sắp lên núi ở chưa, kẻo vỡ hồ bùn đỏ” hay “dạo này Đắk Nông có làng Trung Quốc phải không...?" đã làm chúng tôi không khỏi bất ngờ.

ADQuảng cáo

Cũng không thể trách, bởi từ khi Dự án khai thác bô xít ở Đắk Nông khởi động đến nay, dư luận nhiều chiều về chủ trương, dự án theo kiểu xây có, chống có, đúng có mà sai cũng nhiều. Là người địa phương, lại theo khá sát Dự án này, vậy mà có nhiều câu hỏi hay thông tin nghe được từ người khác chính bản thân chúng tôi cũng thấy lạ lẫm. Ngay cả các đồng nghiệp làm báo ở các tỉnh khu vực phía Bắc, khi vào thăm Đắk Nông, được chúng tôi dẫn đi thăm quan hoạt động khai thác, chế biến bô xít, alumin thì mới vở lẽ: thì ra từ nghe đến thấy nó khác xa “một trời, một vực”.

Công đoạn đóng bao sản phẩm alumin để vận chuyển đi xuất khẩu

Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 4 năm 2018, chúng tôi có dịp đón Báo bạn Lào Cai vào Đắk Nông học tập kinh nghiệm, thăm quan thực tế. Điều đáng mừng là khi hỏi nhu cầu đoàn công tác của Báo bạn có ý định đi thăm quan những đâu thì ngay lập tức, đồng chí Tổng Biên tập, Trưởng đoàn trả lời là muốn đi thăm Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Trên đường đi thăm nhà máy, không ít thành viên trong đoàn báo bạn háo hức đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế, người nước ngoài…

Sau khi được đại diện Công ty Nhôm Đắk Nông dẫn đoàn đi thăm quan quy mô, hoạt động sản xuất của nhà máy, hồ chứa bùn đỏ… thì những câu hỏi ban đầu của các thành viên trong đoàn gần như đã được giải đáp. Bởi đi cả một khu rộng lớn, đoàn khách thăm quan không hề gặp một bóng người nước ngoài tham gia vận hành nhà máy.

"Sau hơn 10 năm từ khi Dự án khai thác bô xít Nhân Cơ khởi động, lúc cao điểm nhất, Dự án cũng chỉ có khoảng 200 công nhân, kỹ sư và chuyên gia là người nước ngoài. Số người này cũng chỉ sang tham gia một số công đoạn kỹ thuật trong khâu xây lắp. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 10 chuyên gia, kỹ sư chính thức là người Trung Quốc đang tham gia tại nhà máy nhưng cũng không thường xuyên", người hướng dẫn cho biết.

ADQuảng cáo

Còn nói về hiệu quả kinh tế, trong dự toán xây dựng ban đầu, với giá 320 USD/tấn alumin tinh là bắt đầu có lãi. Thế nhưng, hiện tại, giá xuất khẩu alumin là 720 USD/tấn, tức cao gần gấp đôi so với giá dự toán. Vì thế, khả năng thu hồi vốn của Dự án cũng sẽ được rút ngắn so với kế hoạch ban đầu. Chưa kể, sắp tới khi Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông hoàn thành, đi vào vận hành, giá trị kinh tế từ khai thác bô xít sẽ tăng lên khoảng 10 lần sau khi luyện ra sản phẩm nhôm nguyên chất so với giá trị xuất khẩu alumin như hiện nay.

Nói về công nghệ, sau khi đi thăm nhà máy trên một diện tích rộng hơn 100 ha, toàn những hạng mục với máy móc “khủng”, nhiều người thắc mắc là sao ít gặp cán bộ, công nhân vận hành. Người dẫn đoàn giải thích: “Nhà máy hoạt động 24/24 giờ với khoảng 1.000 công nhân, kỹ sư chia làm 3 ca mỗi ngày. Như vậy, mỗi ca chỉ có khoảng hơn 300 công nhân, cán bộ kỷ thuật quản lý, vận hành hệ thống máy móc trên diện tích rộng gần 100 ha, tương đương mỗi người quản lý hơn 3 ha thì không thấy công nhân là điều dễ hiểu.

Với chừng ấy công nhân, cán bộ kỹ thuật nhưng vẫn bảo đảm vận hành thông suốt hoạt động của nhà máy đồ sộ này đã minh chứng cho quá trình tự động hóa trong sản xuất của nhà máy là rất cao. Điều ghi nhận là hiện tại Công ty Nhôm Đắk Nông đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ, sẵn sàng ứng phó với những vấn đề phát sinh cũng như không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Khi đến thăm hạng mục hồ chứa bùn đỏ, nhiều người phủ nhận ngay những thông tin trước đây theo dạng "quả bong bóng bùn đỏ trên Tây Nguyên" vì nhìn thấy các khoang chứa được xây dựng dựa vào địa hình đồi núi bao quanh và phương án tái sử dụng nước triệt để từ hồ chứa để phục vụ sản xuất alumin không chỉ giảm thiểu khả năng tràn hồ mà còn tiết kiệm được gần 10% chi phí cho công đoạn tuyển, rửa quặng, làm mát hệ thống đường ống dẫn nhiệt… Chưa kể, ngoài 3 khoang chứa bùn đỏ với thiết kế dung tích sử dụng trong khoảng 50 năm, hiện cũng đang có các hồ chứa bùn đỏ dự phòng để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Sau khi thăm quan nhà máy, được "mục sở thị" quy mô, hoạt động sản xuất cũng như những thông tin thuyết trình từ người hướng dẫn, nhiều người thốt lên “đúng là trăm nghe không bằng một thấy”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác bô xít Đắk Nông: “Trăm nghe không bằng… một thấy”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO