Khá giả nhờ... chuối rừng

Ngọc Lê| 19/06/2019 09:38

Tại xã Đắk Ngo (Tuy Đức), chuối rừng mọc rất nhiều ở các khe, suối và được người dân khai thác, tận dụng để chế biến thành nguyên liệu và cung cấp ra thị trường. Đến nay, nhiều hộ gia đình ở xã Đắk Ngo đã có thêm nghề chế biến chuối rừng, với thu nhập hàng chục triệu đồng trên mỗi tháng.

ADQuảng cáo

Nghề chế biến chuối rừng khá nhẹ nhàng, nhiều người dân có thể gia tăng thu nhập

Anh Hoàng Văn Cẩn, một hộ dân ở bản Đoàn Kết (Đắk Ngo) cho biết, trước đây, anh sử dụng chuối rừng đem phơi khô rồi ngâm rượu cho gia đình và người quen dùng. Dần dần anh thấy nhiều người cũng có nhu cầu tìm mua chuối rừng để ngâm rượu. Anh Cẩn tìm hiểu thêm tại một số tài liệu thì được biết chuối rừng có tác dụng điều trị một số bệnh như: đau lưng, nhức mỏi, sỏi thận... Từ đó anh Cẩn quyết định mở cơ sở thu mua, chế biến chuối rừng để bán ra thị trường. Để có hàng hóa buôn bán, anh Cẩn tự mình vào rừng săn lùng hoặc đặt hàng cho người dân địa phương thu hái những buồng chuối rừng đã già.

Về quy trình chế biến, anh Cẩn đem ủ chín rồi lột sạch vỏ, phơi dưới nắng khoảng ba ngày rồi đưa vào lò sấy khô. Để sản phẩm chuối rừng khô thêm bắt mắt, anh Cẩn đã tự thiết kế nhãn mác, đóng bao bì cho sản phẩm để bán lẻ cho khách. Cũng nhờ đó mà sản phẩm chuối rừng của gia đình anh Cẩn ngày càng được biết đến nhiều hơn. Sau khi chế biến, đóng gói, mỗi kg chuối rừng được anh Cẩn bán với giá dao động từ 35.000 đến 50.000 đồng. Do làm ăn uy tín, sản phẩm có chất lượng nên anh Cẩn đã phát triển được lượng bạn hàng khắp các tỉnh thành trên cả nước.

"Sản phẩm chuối rừng của gia đình tôi không phải là dược liệu. Nó chỉ là nguyên liệu dùng để ngâm rượu theo nhu cầu của người dân. Tôi thấy nhu cầu của người dân cũng khá lớn và gia đình tôi cũng "sống được" với nghề này", anh Cẩn cho biết.

ADQuảng cáo

Theo anh Cẩn, mỗi tháng gia đình anh xuất bán ra thị trường từ 5 - 10 tấn chuối sấy khô. Trừ hết chi phí, gia đình anh kiếm lời được khoảng 50 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh Cẩn còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động nông nhàn tại địa phương. Những người nào rảnh rỗi, đến phụ việc cho gia đình anh Cẩn mỗi ngày cũng có mức thu nhập từ 150-300 ngàn đồng.

Chị Nghiêm Thị Đào mỗi năm xuất bán được 5 tấn chuối rừng khô, kiếm lời hơn 100 triệu đồng

Tương tự, chị Nghiêm Thị Đào, ở bon bon Phi Lơ Te 1 (Đắk Ngo) cũng đã có thâm niên gần chục năm gắn bó với nghề chế biến chuối rừng. Trong quá trình sản xuất, chị Đào chủ yếu sấy chuối rừng bằng lò sấy để giữ màu sắc và hương vị.

Theo chị Đào, nếu chuối đã chín mà phơi nắng sẽ làm mất vệ sinh vì thời gian phơi lâu, ruồi nhặng bu bám, chuối lại bị đen và hay hỏng. Trước đây, chế biến chuối rừng chỉ là "nghề tay trái" của gia đình chị Đào. Thế nhưng, dần dần nó lại trở thành nghề chính vì mỗi năm chị Đào có thể kiếm được hơn 100 triệu đồng từ việc sản xuất, kinh doanh chuối rừng.

Theo lãnh đạo xã Đắk Ngo, ý thức được giá trị kinh tế từ cây chuối rừng, người dân ở xã Đắk Ngo không thu hái sản phẩm bừa bãi. Mặt khác, bà con nơi đây còn nhân giống thêm loại chuối này để vừa làm phong phú lâm sản cho rừng, vừa có thêm thu nhập dài lâu.    

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khá giả nhờ... chuối rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO