“Ì ạch” sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước

Công Tính| 14/01/2020 09:58

Thời gian qua, mặc dù tỉnh Ðắk Nông đã có nhiều bước triển khai sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên địa bàn, nhưng kết quả đạt được khá thấp. Công tác sắp xếp, đổi mới chậm được xác định là từ chính những vấn đề nội tại của DNNN.

ADQuảng cáo

Nhiều vướng mắc

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, đến cuối năm 2019, điểm sáng trong công tác cổ phần hóa DNNN trên địa bàn tỉnh là hoàn thành cổ phần hóa, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An và Công ty TNHH MTV Sách-Thiết bị trường học. Các công ty này đang thực hiện việc thanh quyết toán chi phí cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp (tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) để bàn giao cho công ty cổ phần.

Hoạt động chủ yếu của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh vẫn là làm nhiệm vụ công ích. Ảnh: Nhiều diện tích lúa nước trong mùa khô năm 2019 ở huyện Cư Jút được cung cấp nước ổn định từ công trình thủy lợi

Cũng nằm trong diện cổ phần hóa, đối với Công ty TNHH MTV Nam Nung thì còn nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, số liệu diện tích rừng của doanh nghiệp chưa được xử lý. Ðược biết, ngày 8/10/2019, UBND tỉnh đã có chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất và phương án sử dụng đất của đơn vị này. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa hoàn thành.

Tương tự như Công ty TNHH MTV Nam Nung, trường hợp cổ phần hóa ở Trung tâm Khảo sát, thiết kế nông, lâm nghiệp tỉnh cũng chỉ mới dừng lại ở việc ban hành kế hoạch cổ phần hóa, lựa chọn đơn vị tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa. Riêng Công ty Cà phê Ðức Lập đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương chuyển đổi hình thức sở hữu từ cổ phần hóa sang bán doanh nghiệp. Theo đó, ngày 9/12/2019, UBND tỉnh đã có văn bản giao Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện...

Sau khi đóng cửa rừng, hoạt động sản xuất, chế biến gỗ ở Công ty TNHH MTV Ðầu tư và Phát triển Ðại Thành bị thu hẹp. Ảnh: Cả xưởng chế biến gỗ lớn, nhưng không có nguyên liệu để sản xuất

ADQuảng cáo

Doanh nghiệp đổi mới chồng chất khó khăn

Toàn tỉnh có 8 công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước nằm trong diện đổi mới. Trong tổng số doanh nghiệp thuộc diện đổi mới thì có 6 công ty ở lĩnh vực lâm nghiệp. Sau đổi mới, các công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng chỉ tập trung vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Kinh phí hoạt động vẫn chủ yếu do ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Riêng Công ty TNHH MTV Ðầu tư và Phát triển Ðại Thành và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên là có mở rộng thêm hoạt động chế biến lâm sản, liên kết trồng cao su, trồng nông-lâm kết hợp…

Nói về hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Ðầu tư và Phát triển Ðại Thành cho biết: “Việc duy trì xưởng sản xuất, chế biến lâm sản hiện rất khó khăn. Thực hiện quy định đóng cửa rừng thì nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng hết. Trong khi đó, nếu tiếp cận nguồn nguyên liệu ở ngoài thị trường thì chi phí sản xuất bị đẩy lên cao. Hiện nay hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản của đơn vị đang dần bị thu hẹp”.

Ðã thoái vốn được 2 doanh nghiệp

Trong năm 2013-2014, Thủ tướng Chính phủ có các văn bản đồng ý phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN trên địa bàn tỉnh. Ngoài các doanh nghiệp cổ phần hóa và đổi mới, hiện tại toàn tỉnh đã thoái vốn đối với Công ty Cổ phần Ðăng kiểm xe cơ giới và Công ty Cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị.

Tuy nhiên, đối với việc giải thể các doanh nghiệp là các công ty lâm nghiệp còn chậm gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân, Công ty TNHH MTV Thuận Tân, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Ðức Lập, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Ðức.

Không riêng gì các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp, hoạt động của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cũng chủ yếu làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ích, không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước cấp bù thủy lợi phí hàng năm. Ngoài nhiệm vụ công ích, Công ty đã thực hiện khai thác đa mục tiêu công trình thủy lợi, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Ðó là các tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ công trình thủy lợi do đơn vị quản lý không chịu chi trả tiền và dịch vụ thủy lợi...

Ông Lê Viết Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho rằng, ngoài vấn đề về cơ chế chính sách thì để khai thác tốt các hoạt động dịch vụ từ công trình thủy lợi, đơn vị cần có sự hỗ trợ của tỉnh, cũng như các ngành, địa phương. Trong khi đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong sử dụng dịch vụ từ công trình thủy lợi cũng rất quan trọng... Làm tốt những vấn đề này thì đơn vị mới phát huy hiệu quả hoạt động khai thác đa mục tiêu công trình thủy lợi.

Ðánh giá khả quan nhất trong các DNNN thuộc diện đổi mới thì chỉ có trường hợp của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh. Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ vé xổ số điện toán (Vietlot), nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị vẫn ổn định và có bước tăng trưởng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ì ạch” sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO