Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015

Nguồn Chinhphu.vn| 16/07/2014 15:51

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 84/2014/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.

ADQuảng cáo

Dự toán NSNN năm 2015 xây dựng với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, mức tăng trưởng hợp lý; tiếp tục thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát; tăng chi cho quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên đầu tư phát triển biển đảo, hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.

Công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2015 cần tuân thủ một số yêu cầu như: Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 của ngành, lĩnh vực và địa phương cùng với yêu cầu chi tiêu công chặt chẽ để xây dựng dự toán NSNN năm 2015 sát với nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của cơ quan, đơn vị...

Đồng thời, thực hiện tiết kiệm chi đầu tư phát triển ngay từ khâu bố trí dự toán gắn với cơ chế quản lý, cân đối theo kế hoạch trung hạn. Rà soát, lồng ghép các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi thường xuyên tránh chồng chéo, lãng phí.

Dự toán thu từ xuất nhập khẩu phấn đấu tăng 6-8%

Về xây dựng dự toán thu NSNN, Bộ Tài chính nhấn mạnh dự toán thu NSNN năm 2015 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện cụ thể thu ngân sách năm 2014, bám sát các chỉ số dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh (mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tại một số địa phương công nghiệp trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2015; đồng thời, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thực hiện các Luật thuế mới sửa đổi, bổ sung (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai,...); chính sách thuế mới và các văn bản hướng dẫn; do thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế...

ADQuảng cáo

Trên cơ sở đó, đặt mục tiêu huy động vào NSNN năm 2015 từ thuế, phí khoảng 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân khoảng 14-16% so với đánh giá ước thực hiện năm 2014 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2014. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NSNN

Đối với xây dựng dự toán chi NSNN, Bộ Tài chính nêu rõ, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ tác động đến kinh tế và NSNN năm 2015, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội… rất lớn, nên cân đối NSNN năm 2015 tiếp tục khó khăn.

Do vậy, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2015, lập dự toán chi NSNN theo đúng các quy định pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách hiện hành, trong phạm vi số kiểm tra được cơ quan có thẩm quyền thông báo; chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai trong năm 2015 để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, các chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn lực NSNN được phân bổ.

Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần phân nhóm các nhiệm vụ chi để chủ động điều hành, cắt giảm trong trường hợp cần thiết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO