Hoạt động sản xuất công nghiệp: Triển khai hiệu quả các giải pháp cho mục tiêu phía trước

Lê Dung| 28/09/2015 14:11

Đến nay, không chỉ tốc độ tăng trưởng mà quy mô sản xuất của ngành công nghiệp cũng tăng cao so với năm 2010. Tuy nhiên, trên thực tế, so với chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra thì giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn còn đạt thấp. Vì thế, việc tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp để phấn đấu đạt các mục tiêu trong những năm tới có vai trò rất quan trọng.

ADQuảng cáo

QUY MÔ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG

Quy mô sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh trong những năm qua đều tăng ở hầu hết các ngành. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn là 17,4% năm. Hiện tại, các sản phẩm của ngành công nghiệp khai khoáng chủ yếu là cát, đá, bê tông đúc sẵn và gạch xây dựng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh là chính.

Ngoài ra, sản phẩm đá xẻ của ngành còn được dùng để xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã phát triển theo đúng định hướng, quy hoạch. Các lĩnh vực như chế biến cà phê, tiêu, hạt điều nhân, cao su, sản xuất ván MDF... đã có bước phát triển, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Quy mô sản xuất của ngành công nghiệp chế tạo không ngừng được tăng cao

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành công nghiệp này trong cả giai đoạn là 11,9%. Đặc biệt, hiện nay, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản đang chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, với trên 90% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt cũng đã cơ bản đáp ứng cho phát triển kinh tế-xã hội. Sản lượng điện thương phẩm không ngừng được tăng lên, năm 2015 ước đạt 340 triệu kWh, tăng 35% so với năm 2010.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những bước phát triển cả về số lượng và quy mô. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 2.218 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng gần 220 cơ sở so với năm 2011. Các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường...

... NHƯNG GIÁ TRỊ SẢN XUẤT ĐẠT THẤP SO VỚI KẾ HOẠCH

Theo Sở Công thương thì trong giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh ước thực hiện được 13.982 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch là 3.515 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,8%. Riêng năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.494 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010.

ADQuảng cáo

Mặc dù được xác định là những ngành trọng tâm, mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, nhưng ngành công nghiệp khai khoáng lại chưa phát triển. Sản phẩm của ngành vẫn chủ yếu là khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng thông thường phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản có tốc độ tăng trưởng khá nhưng do hạn chế trong quy mô đầu tư, trình độ công nghệ nên dẫn đến năng lực cạnh tranh, năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất thấp. Trong sản xuất lại thiếu sự gắn kết giữa người sản xuất với người kinh doanh nên cũng chưa phát huy được hết các lợi thế của địa phương...

Bên cạnh đó, vì việc tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu khó khăn, giá bán thấp nên một số dự án đã đi vào hoạt động trong kỳ nhưng vẫn chưa phát huy hết công suất. Nhiều doanh nghiệp đã phải sản xuất cầm chừng làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của ngành như Nhà máy sản xuất ván MDF của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt, Nhà máy chế biến cồn của Công ty TNHH Đại Việt, các đơn vị khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng...

Mặt khác, do lãi suất tín dụng cao khiến cho việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp gặp khó, là một trong những nguyên nhân chính gây chậm tiến độ thực hiện của một số dự án như Nhà máy Alumin Nhân Cơ; Nhà máy chế biến cao su của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Bun; Nhà máy Thủy điện Đắk Sin 1 của Công ty Cổ phần VRG – Đắk Nông.

TẬP TRUNG TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Cũng theo Sở Công thương thì phấn đấu trong cả giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh sẽ đạt 52.585 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng bình quân là 38,83%/năm. Riêng năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 18.760 tỷ đồng, tăng 4,63 lần so với năm 2015.

Để thực hiện được mục tiêu đó, ngành Công thương đã xây dựng các giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, ngành sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như khai thác và chế biến khoáng sản, nhất là khai thác bô xít, sản xuất alumin và điện phân nhôm; đồng thời, từng bước hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp khai thác bô xít, sản xuất alumin-nhôm và sản phẩm sau nhôm.

Việc vận động Trung ương hỗ trợ vốn và huy động các nguồn lực của địa phương vào đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cũng sẽ được ngành phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án.

Tại các khu, cụm công nghiệp, ngành cũng sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng và kêu gọi đầu tư để lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập. Việc đa dạng hóa và mở rộng các hình thức trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cũng sẽ được đơn vị phối hợp triển khai nhằm từng bước đào tạo theo yêu cầu và địa chỉ. Trong đó, các đơn vị cũng sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý và các chủ doanh nghiệp những kiến thức mới về quản lý kinh tế, sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động sản xuất công nghiệp: Triển khai hiệu quả các giải pháp cho mục tiêu phía trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO