Hiệu quả từ các cuộc họp giao ban định kỳ

Nguyễn Lương| 23/09/2019 14:52

Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông luôn duy trì và đổi mới phương thức các cuộc họp giao ban định kỳ trước khi thực hiện giao dịch với người dân. Thông qua hình thức này, đơn vị từng bước nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

ADQuảng cáo

Họp để nắm bắt tường tận từng vấn đề

Như đã thành thông lệ, cứ đến ngày 14 hằng tháng, trụ sở UBND thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) sôi nổi hẳn lên. Đây là ngày được ấn định người dân, các tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) đến giao dịch với NHCSXH huyện. Đáng ghi nhận, trước khi thực hiện giao dịch, lãnh đạo UBND thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể, đội ngũ Tổ trưởng Tổ TK&VV và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tiến hành họp để giao ban.

Ông Nguyễn Thanh Lộc, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk R’lấp cho biết: Tại đây, các thành phần tham dự sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở báo cáo tình hình cho vay, thu nợ, thu lãi trong tháng của các bên tham dự, ngân hàng sẽ tổng hợp lại. Đối với những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng tại cơ sở, chúng tôi sẽ tìm hiểu từng tận từng vấn đề, từ đó, xây dựng biệp pháp xử lý ngay. Với vai trò của mình, thông qua cuộc họp giao ban, các thành phần tham dự không ngừng nâng cao nhận thức, thực hiện tốt trách nhiệm được giao.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ TK&VV bon Đắk B’Lao, thị trấn Kiến Đức chia sẻ: Tại buổi giao ban, Ban Quản lý các tổ TK&VV báo cáo lại kết quả hoạt động của tổ mình trong tháng. Từ khâu bình xét, cho vay, thu lãi đến thu nợ của các thành viên sẽ được chúng tôi trình bày để ngân hàng nắm rõ và có định hướng thực hiện trong tháng tiếp theo. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV cũng ngày càng được nâng cao.

Cuộc họp giao ban định kỳ giữa NHCSXH huyện Krông Nô với lãnh đạo UBND xã, các tổ chức hội, đoàn thể, tổ TK&VV xã Quảng Phú

Còn tại thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) cuộc họp giao ban thường được tổ chức vào ngày 11 hằng tháng, trước khi NHCSXH giao dịch với người dân khoảng 1 tiếng đồng hồ.

ADQuảng cáo

Chị Trần Thị Phương, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Đắk Mâm cho biết, đối với tổ chức hội, tại cuộc họp giao ban, chúng tôi sẽ báo cáo kết quả đôn đốc hộ vay trả nợ đến hạn, quá hạn, cũng như kết quả kiểm tra sử dụng vốn vay của các hội viên. Quá trình giám sát bằng việc trực tiếp tham gia họp bình xét đề nghị cho các hội viên vay vốn tại các tổ TK&VV cũng được Đoàn Thanh niên nêu lên tại đây. Với Đoàn Thanh niên nói riêng, các tổ chức hội nói chung, cuộc họp giao ban là dịp gặp gỡ để trao đổi những vấn đề làm được, chưa làm được lên chính quyền địa phương, NHCSXH để từng bước thực hiện hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả các điểm giao dịch

Toàn tỉnh hiện có 71/71 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, với 1.547 tổ TK&VV tại 786 thôn, bon, buôn. Thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng bằng việc bảo đảm duy trì nghiêm túc lịch giao dịch cố định hằng tháng. Đặc biệt, trước khi giao dịch, giữa NHCSXH, lãnh đạo chính quyền địa phương sở tại, các tổ chức hội, hệ thống tổ TK&VV sẽ tổ chức họp giao ban để nắm hoạt động thực hiện các chương trình tín dụng chính sách triển khai trong tháng vừa qua.

Theo đó, đối với NHCSXH các huyện sẽ thông báo chủ trương, chính sách mới về tín dụng. Các phòng giao dịch thực hiện thông báo đến các bên tham dự kế hoạch thu nợ đến hạn, thu nợ quá hạn theo cam kết hộ vay, dự kiến thu lãi, tiền tiết kiệm trong tháng tiếp theo… Về phía lãnh đạo chính quyền địa phương có nhiệm vụ chỉ đạo, giao nhiệm vụ trong tháng tới cho các tổ chức hội, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, tổ TK&VV và cán bộ chuyên trách Ban Giảm nghèo của xã…

Riêng các tổ chức hội, đoàn thể và tổ TK&VV, ngoài báo cáo kết quả cho vay, thu lãi, thu nợ trong tháng, còn nêu kết quả tham gia tuyên truyền tín dụng chính sách, tập huấn, đề xuất các kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương. Thông qua các buổi họp giao ban này, các bên tham dự có dịp ngồi lại với nhau để giải quyết những tồn tại, vướng mắc. Trên cơ sở này, các bên sẽ rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở.

Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: “Đến nay, tỷ lệ cho vay tại các điểm giao dịch xã chiếm trên 98% dư nợ của đơn vị. Hầu hết các điểm giao dịch, các cuộc họp giao ban định kỳ ngày càng được đổi mới theo hướng tập trung vào nội dung chuyên sâu trong vấn đề tín dụng chính sách xã hội”. Cũng theo ông Hà, để nâng cao hiệu quả hoạt động các cuộc họp giao ban, NHCSXH luôn duy trì giao ban với các chủ tịch xã, phường, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể, hệ thống tổ TK&VV. Cùng với đó, hoạt động của các tổ giao dịch lưu động tại các điểm giao dịch đều được thực hiện nghiêm túc theo đúng lịch trình, thời gian quy định. Qua đó, NHCSXH, Ban Giảm nghèo, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên tiếp xúc với người dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của Nhân dân. Từ đây, NHCSXH sẽ nắm bắt tình hình thực hiện chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở để xây dựng, triển khai nhiều giải pháp thực hiện phù hợp và hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ các cuộc họp giao ban định kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO