Hàng quán thay đổi cách thức hoạt động, tìm cách cầm cự trong giai đoạn khó khăn

Phan Tuấn| 02/04/2020 17:00

Hầu hết các hàng quán kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chuyển đổi cách thức hoạt động để vừa tránh tụ tập đông người, vừa duy trì hoạt động nhằm bảo đảm thu nhập và "giữ chân" người lao động.

ADQuảng cáo

Chuỗi 4 cửa hàng Enjoy kinh doanh cà phê lớn ở thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) đều đã đóng cửa, chỉ trưng bảng phục vụ mang về. Nhiều ngày qua, người dân ra vào các quán cà phê Enjoy rất ít, lâu lâu mới có một vài khách mua cà phê mang về, còn lại chủ yếu là nhân viên giao hàng.

Ngoài việc bán mang về, các quán cà phê còn triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi

Theo anh Lê Hoàng, chủ hệ thống cửa hàng cà phê Enjoy, trong tình hình dịch bệnh, cửa hàng buộc phải thay đổi cách thức hoạt động, không bán tại chỗ, chỉ bán mang về hoặc giao hàng tận nơi. Cửa hàng cũng phải cắt giảm bớt nhân sự khoảng 1/3 so với trước. Hiện tại, chuỗi 4 cửa hàng Enjoy ở thành phố Gia Nghĩa chỉ duy trì 15 nhân viên hoạt động trong xưởng sản xuất cà phê, bánh ngọt, các điểm pha chế, bán hàng và giao hàng.

"Trung bình mỗi ngày, chuỗi cửa hàng của tôi bán được hơn 500 phần bánh ngọt, thức uống. Tất cả các điểm bán hàng của chúng tôi có tổng doanh thu từ 5 – 7 triệu đồng/ngày, giảm hơn 70% so với trước đây. Với doanh thu này, chúng tôi chỉ đủ để trả lương, duy trì nhân sự hiện có. Còn số tiền khoảng 100 triệu đồng/tháng để thuê 4 mặt bằng kinh doanh thì phải bù lỗ”, anh Hoàng chia sẻ.

Thay vì bán tại chỗ như trước đây, quán cà phê Enjoy chỉ bán cho khách mang về

ADQuảng cáo

Tương tự, những ngày qua, quán cà phê Tà Đùng Coffee cũng đã chuyển đổi qua hình thức chỉ bán mang về để duy trì nhân sự, trả tiền mặt bằng, điện nước… Với 6 nhân viên đang có, chủ quán buộc phải chia ca với 3 người làm việc một ngày. Trung bình mỗi ngày, quán cà phê Tà Đùng Coffee bán được tầm 150 ly cà phê theo hình thức giao hàng tận nơi hoặc khách tự mang về. Anh Hoàng Đình Cảnh, quản lý quán Tà Đùng Coffee cho biết: Từ khi chuyển qua hình thức kinh doanh mới này, quán chỉ thu được hơn 1 triệu đồng/ngày. Do đó, mỗi tháng trừ tiền thuê nhân viên, mặt bằng, điện nước… quán phải bù lỗ hơn 40%. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ kinh doanh bằng hình thức đặt hàng bằng điện thoại, hoặc khách ghé mua mang về. "Trong quá trình kinh doanh, các nhân viên pha chế và giao hàng của chúng tôi đều được kiểm tra sức khỏe liên tục, chỉ làm việc khi bảo đảm sức khỏe bình thường. Trước khi đi giao hàng, nhân viên được sát khuẩn, trang bị khẩu trang đầy đủ”, anh Cảnh cho biết.

Nhiều quán hàng treo biển chỉ bán mang về

Với tinh thần phòng chống dịch bệnh Covid-19, chị Dương Thị Thanh Sang, chủ quán bê thui Tùng Xẻo (Gia Nghĩa) cũng đã treo biển bán mang về hoặc giao hàng tận nơi khi khách hàng có yêu cầu. Chị Sang cho biết, việc đóng cửa sẽ khiến tình hình kinh doanh của quán gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết, là trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh.

Theo chị Sang, khi biết các quán sá vẫn có thể bán cho khách mang về hoặc giao hàng tận nơi, chị và 1 nhân viên vẫn làm việc, tham gia chế biến các món ăn. Doanh thu hiện nay của quán chỉ đạt khoảng 1,7 triệu đồng/ngày. Mức thu nhập là không đáng kể, nhưng chị cũng phải chấp nhận “gồng mình” để trang trải các khoản chi phí thuê mướn mặt bằng, thuế, điện nước, internet…

Hình thức mua bán mang về hoặc giao hàng tận nơi đã góp phần hạn chế người dân tụ tập đông người, tạo sự giãn cách xã hội

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều quán cà phê, quán nhậu, quán ăn sáng… trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang hình thức phục vụ mang về hoặc giao hàng tận nơi. Trong quá trình kinh doanh, các chủ cửa hàng đã trang bị dụng cụ sát khuẩn, máy đo thân nhiệt để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Khi người dân đến mua hàng cũng được đo thân nhiệt và diệt khuẩn một cách cẩn thận.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng quán thay đổi cách thức hoạt động, tìm cách cầm cự trong giai đoạn khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO