Hạn hán năm nay có thể đạt tới mốc cao nhất lịch sử

Ngọc Lê thực hiện| 22/05/2020 10:02

Thời gian qua, tình trạng hạn hán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông (gọi tắt Công ty) về các biện pháp chống hiện nay.

ADQuảng cáo

Ông Lê Viết Thuận

Phóng viên: Ông có thể cho biết khái quát tình hình và nguyên nhân hạn hán đang xảy ra trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Lê Viết Thuận: Năm 2019, do ảnh hưởng thời kỳ cuối hiện tượng El Nino, nên nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp. Mùa mưa năm 2019 đến muộn và kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), lượng mưa chỉ đạt từ (80-95)% so với TBNN. Do đó, dòng chảy ở nhiều sông suối giảm mạnh. Đặc biệt, nhiều sông suối nhỏ mực nước cạn kiệt nhanh. Lượng nước ở một số hồ chứa thủy lợi không đạt dung tích thiết kế và hạ thấp rất nhanh vì bốc hơi, thẩm thấu.

Ở góc độ khác, các huyện phía Nam tỉnh như: Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, Tuy Đức mặc dù lượng mưa lớn bất thường xuất hiện từ đầu mùa. Thế nhưng, ở thời kỳ này, các công trình thủy lợi chưa được phép tích nước. Còn đối với các huyện khác như: Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô và Đắk Glong lượng mưa thiếu hụt so với TBNN xuyên suốt cả mùa mưa.

Hiện nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và bồi lắng nhiều, dẫn đến thiếu hụt nguồn nước so với thiết kế.
Mặt khác, thời gian qua, diện tích đất sản xuất nông nghiệp gia tăng nhanh ở các vùng có hồ chứa thủy lợi, nên nhu cầu dùng nước của người dân cũng tăng. Điều này càng làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh của người dân.

Vì vậy, qua thực tế cho thấy, tình hình hạn hán mùa khô 2019-2020 ở các huyện phía Nam tỉnh có xảy ra cục bộ một vài nơi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống dân sinh. Đối với các huyện như: Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô hạn hán diễn ra khốc liệt. Thậm chí theo dự báo, hạn hán năm nay ở các địa phương này có thể đạt tới mốc lịch sử, tức là còn khốc liệt hơn cả năm 2016.

Phóng viên: Tình trạng hạn hán đã ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và đời sống của người dân, thưa ông?

Ông Lê Viết Thuận: Kết thúc mùa mưa năm 2019, tổng lượng nước trong 208 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 131 triệu m3, xấp xỉ 97% dung tích thiết kế. Trong đó, 150 công trình hồ chứa đạt 100% dung tích thiết kế, 43 hồ chứa chỉ đạt từ 90-95% dung tích thiết kế, 12 hồ chứa chỉ đạt 50-70% dung tích thiết kế, 3 hồ chứa đạt 50% dung tích thiết kế trở xuống.

Đối với các trạm bơm hoạt động dọc bờ sông Krông Nô phụ thuộc vào lưu lượng xả của thủy điện Buôn Tua Srah. Tuy nhiên, do lượng nước của nhà máy thủy điện năm nay chỉ đạt 65% dung tích thiết kế, nên rất khó khăn cho việc điều tiết nước phục vụ tưới tiêu và dân sinh vùng hạ du. Đặc biệt, do lượng mưa thiếu hụt, nên hệ thống sông suối nhỏ trên địa bàn tỉnh cạn kiệt rất nhanh. Đến cuối tháng 12/2019, dòng chảy trên các sông suối ở 3 huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô gần như cạn kiệt.

ADQuảng cáo

Xuất phát từ tình hình vậy, nên có thể khẳng định, mùa khô 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hạn hán xảy ra rất khốc liệt. Hầu hết các huyện đều bị ảnh hưởng do hạn hán, trong đó nặng nề nhất là tại các huyện Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô.

Hạn hán đã làm giảm từ 30-70% năng suất của gần 19.500 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích bị thiệt hại trong phạm vi tưới từ các công trình thủy lợi là hơn 1.100 ha, ngoài phạm vi công trình thủy lợi là hơn 18.300 ha. Các loại cây trồng bị ảnh hưởng chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Ngoài ra, hạn hán cũng gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho 672 hộ dân, với 3.400 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô.

Phóng viên: Trước diễn biến hạn hán phức tạp như hiện nay, cần phải có những giải pháp nào để tháo gỡ, giảm thiểu thiệt hại cho người dân các địa phương, thưa ông?

Ông Lê Viết Thuận: Nhiệm vụ chính của Công ty là quản lý khai thác các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh trên toàn tỉnh. Thời gian qua, Công ty đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố về công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất của từng vụ, từng năm.

Trong quá trình vận hành các công trình thủy lợi, đơn vị đã chú trọng đến công tác duy tu, sửa chữa để chống thất thoát nguồn nước, chủ động nạo vét kênh mương, khắc phục sự cố để dẫn nước phục vụ sản xuất hiệu quả. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm kê nguồn nước để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch điều tiết nước.

Thời gian qua, Công ty đã phối hợp với các địa phương thường xuyên điều chỉnh nông lịch, khoanh vùng diện tích cây trồng phù hợp với nguồn nước. Công ty, tập trung xây dựng phương án điều chuyển nguồn nước từ nơi dư sang nơi thiếu để phục vụ nhu cầu dùng nước. Đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân dùng nước đúng cách, tưới đủ, tủ gốc giữ ẩm phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây trồng và nhu cầu dùng nước cho các lĩnh vực dân sinh khác. Việc bảo dưỡng các thiết bị cơ khí, nâng cao ngưỡng tràn hồ chứa vào cuối mùa mưa để tăng dung tích hồ cũng được Công ty chú trọng. Đơn vị cũng hỗ trợ người dân vật tư, vật liệu để làm các đập tạm, đập bổi trên suối giữ nước phục vụ sản xuất.

Năm 2019-2020, có hơn 47.000 ha cây trồng được các công trình thủy lợi cung cấp nước tưới đầy đủ. Việc cấp nước cho các nhà máy nước sạch vẫn được Công ty duy trì tốt. Ngoài ra, Công ty còn điều tiết nước cung ứng thêm cho hơn 2.000 ha cây công nghiệp dọc suối Ea Dier của các xã Cư K'nia, Tâm Thắng, Nam Dong của huyện Cư Jút; 3.000 ha cây công nghiệp ở huyện Đắk Mil và Krông Nô.

Để tháo gỡ một phần khó khăn cho "bài toán thiếu nước", chống hạn, Công ty đã có một số đề xuất cho các ngành chức năng như: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước vào công tác quản lý quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để bảo đảm nguồn nước cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp; Khuyến khích và hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

Trước mắt và kể cả lâu dài, công tác tưới tiêu phải được thực hiện một cách khoa học, tưới đúng, tưới đủ và tủ gốc giữ ẩm để góp phần tiết kiệm nước. Các cấp, các ngành cũng cần hỗ trợ người dân một phần kinh phí để đào ao, xây dựng hồ chứa nước quy mô nhỏ để trữ nước và chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Về phía tỉnh, cần tiếp tục đầu tư xây dựng một số đập dâng công nghệ mới ở một số vị trí dọc các sông, suối để trữ nước. Tỉnh cũng nên tiếp tục tạo cơ chế, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư các công trình thủy lợi như: Trạm bơm, hồ nhỏ, đập dâng... theo hình thức PPP.

Ngoài ra, bằng các giải pháp khoa học, chúng ta phải đưa công nghệ cải tạo tràn xả lũ của các hồ chứa nhằm tăng dung tích chứa nước. Việc bố trí kinh phí cho việc nạo vét bồi lắng lòng hồ, trục vớt mảng bè cỏ để bảo đảm an toàn và tăng dung tích hồ chứa cũng cần được lưu tâm, chú trọng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn hán năm nay có thể đạt tới mốc cao nhất lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO