Hạn chế tình trạng "vay tiền rồi… gác bếp"

Thụy Nguyên| 19/12/2019 09:23

UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 đến các cấp, ngành và địa phương. Tại Hội nghị này, điều mà các đại biểu quan tâm là làm sao đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tránh lặp lại điệp khúc“con nhà nghèo đi vay tiền rồi... gác bếp".

ADQuảng cáo

Phần lớn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: Các đơn vị thi công mặt bằng khu Tái định cư bờ đông hồ Gia Nghĩa

Giải ngân theo kiểu "nước đến chân mới nhảy"

Dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Nâm N'Jang (Đắk Song) có vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Dự án này nằm trong Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch và nông thôn (nguồn vốn ODA do Sở Nông nghiệp-PTNT làm điều phối) và được giao cho UBND huyện Đắk Song triển khai từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn còn không ít vướng mắc.

Báo cáo trước lãnh đạo UBND tỉnh, ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho rằng, vốn công trình ghi năm 2018, nhưng mãi đến tháng 12/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT mới chuyển tiền về thì huyện không có cách nào giải ngân được. Muốn giải ngân, trước tiên công trình, dự án phải có khối lượng. Thế nhưng, vốn đến cuối năm mới bố trí thì không thể có khối lượng để thanh toán.

“Nhận thấy không thể giải ngân vốn cho công trình cấp nước ở Nâm N’Jang, huyện đã có văn bản đề nghị tỉnh chuyển vốn sang công trình cấp nước khác, nhưng không được chấp thuận. Vốn giải ngân không đạt thì huyện phải chịu kỷ luật mà như trường hợp này thì...”, ông Thanh phàn nàn.

Giải trình về Dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Nâm N'Jang, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sở dĩ huyện Đắk Song không thể chuyển nguồn vốn này sang công trình khác được vì đây là vốn ODA, phải bố trí ở công trình tương ứng. Tuy nhiên, theo ông Thanh, nếu cứ bố trí tiền cứng nhắc theo kiểu đó thì các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc triển khai các dự án…

Gợi mở về hướng xử lý những vướng mắc từ Dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Nâm N'Jang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng UBND huyện Đắk Song phải “ngồi” lại với nhau để tìm cách bàn bạc, tháo gỡ. “Khi tháo gỡ xong những vướng mắc của dự án này thì cũng cần phải rút ra bài học cho các công trình, dự án khác”, ông Trần Xuân Hải nhấn mạnh.

ADQuảng cáo

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải, từ vướng mắc của dự án ODA ở Đắk Song cho thấy, có địa phương thì giải ngân vốn đầu tư nhanh, nhưng tại sao có nơi lại chậm. Nếu chủ đầu tư (các ngành, địa phương-PV) cứ “làm đúng” và máy móc quá thì rất khó xử lý được những phát sinh trong đầu tư xây dựng.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, tỉnh Đắk Nông đã giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm. (Ảnh: Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ dự án bờ kè hồ Hạ, Dự án hồ Gia Nghĩa).

Giao vốn từ đầu năm

Nói về câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, ông Lưu Văn Trung cho rằng, qua thực tế triển khai (như nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia-PV) tuy cùng một cơ chế, một chính sách, nhưng có địa phương trong tỉnh giải ngân nhanh, có địa phương giải ngân chậm. Như vậy, trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư chậm hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào các chủ đầu tư.

Năm 2020, vốn đầu tư công của Đắk Nông trên 2.155 tỷ đồng

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh là trên 2.155 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 455,327 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương 915,702 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia 360,624 tỷ đồng; ODA 256,9 tỷ đồng; trái phiếu Chính phủ 167,27 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trung, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, trong năm 2020, UBND tỉnh đã triển khai phân bổ kế hoạch ngay từ đầu năm. Nếu chủ các đầu tư giải ngân chậm tiến độ thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chuyển nguồn vốn sang các công trình khác.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải, năm nào tỉnh cũng chuyển nguồn trên nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Tỉnh nghèo mà vay tiền rồi "gác bếp" như vậy thì rất lãng phí. Để hạn chế điệp khúc luôn kêu thiếu tiền, nhưng có lại không biết xài thì từng cấp, ngành phải linh hoạt cách làm.

“Thay vì làm như trước đây, tức là chúng ta cứ đợi có vốn rồi mới giải phóng mặt bằng thì nay nên tính toán vận động người dân cùng giải phóng mặt bằng trước. Khi có mặt bằng rồi triển khai dự án sẽ không lặp lại câu chuyện giải ngân vốn chậm”, ông Trần Xuân Hải cho biết. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế tình trạng "vay tiền rồi… gác bếp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO