Hái ra tiền nhờ trồng sương sâm

Đức Hùng| 30/09/2020 08:36

Khi các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu có giá cả biến động bất lợi, anh Trần Đức Long (26 tuổi), bon BSrê, xã Đắk Som (Đắk Glong), đã trồng cây sương sâm để tạo thêm nguồn thu nhập. Dù mới sản xuất ở quy mô nhỏ, nhưng loại cây trồng này đã mang về khoản thu nhập khá cho gia đình anh.

ADQuảng cáo

Năm 2013, gia đình anh Long, từ Đồng Nai đến xã Đắk Som lập nghiệp và được bố mẹ cho hơn 4 ha đất sản xuất. Trên diện tích này, anh Long trồng hơn 1.000 cây cà phê, hơn 500 trụ tiêu và trồng xen cây ăn trái. Sau nhiều năm chăm sóc, thấy cà phê, tiêu chỉ cho thu mỗi năm 1 lần, nhưng chi phí sản xuất lớn, lợi nhuận thu về thấp.

Mô hình trồng sương sâm của anh Long trở thành điểm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của thanh niên trên địa bàn huyện Đắk Glong

Năm 2019, anh Long tìm hướng mới trong phát triển kinh tế và anh đã chọn cây sương sâm để đầu tư sản xuất. Anh Long về lại Đồng Nai tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và đem giống sương sâm về trồng thử nghiệm. Sau thời gian trồng, cây sương sâm phát triển tốt, cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây.

Anh Long tâm sự: "Ưu điểm lớn nhất là chi phí đầu tư chăm sóc ít, thời gian trồng chỉ sau 4 tháng đã có thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt thì tuổi thọ cây sương sâm từ 2 - 4 năm. Sương sâm cho thu hoạch mỗi tháng 1 lần, giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống. Khi cây trưởng thành và cho thu hoạch thì không tốn nhiều công chăm sóc. Cây sương sâm ít sâu bệnh, nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện bệnh chết dây để kịp thời xử lý".

ADQuảng cáo

Sau khi trồng 4 tháng, cây sương sâm bắt đầu cho thu hoạch lá, cách khoảng 25 ngày hái 1 lần, mỗi sào thu được khoảng 3 tạ lá. Cây sương sâm cho thu hoạch quanh năm, hiện gia đình anh Long đang nhân giống để mở rộng diện tích thêm 2 sào. Anh Long cho biết, từ khi trồng loại cây này chưa khi nào bị ế hàng vì có nhiều nguồn tiêu thụ. Sau khi có sản phẩm, khách hàng đến tận vườn thu mua lá chứ không phải mất công chở đi bỏ mối xa. Ngoài việc nắm bắt tốt kỹ thuật, anh còn tự nhân giống để chủ động nguồn giống mở rộng sản xuất.

Cũng theo anh Long, trồng sương sâm tốn ít chi phí, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cho thu nhập ổn định. Mô hình này rất phù hợp với điều kiện của đoàn viên thanh niên địa phương, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số. "Hiện giá sương sâm dao động 60.000-70.000 đồng/kg lá. Với 3 sào sương sâm hiện có, gia đình tôi có thu nhập tầm 30 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí", anh Long cho biết.

Anh Long sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, thị trường tiêu thụ cho thanh niên muốn phát triển mô hình này tại địa phương. Đoàn xã Đắk Som đã 2 lần tổ chức cho khoảng 40 đoàn viên thanh niên tham gia thăm quan, chuyển giao kỹ thuật mô hình trồng sương sâm tại gia đình anh Long. Anh K'Tư, Bí thư đoàn xã Đắk Som cho biết, đây là mô hình phù hợp với thanh niên địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên, từ đó có cơ hội để đầu tư cho các cây trồng khác.

Theo đánh giá của Huyện đoàn Đắk Glong, mô hình trồng sương sâm của anh Long là một trong những mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, có hiệu quả trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trên địa bàn. Huyện đoàn Đắk Glong đã tổ chức các đợt thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để chuyển giao kỹ thuật, liên kết nhân rộng, giúp nhiều thanh niên xây dựng mô hình kinh tế này.

Đối với phong trào khởi nghiệp, thời gian qua, Huyện đoàn Đắk Glong đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với thanh niên như tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức các buổi thăm quan mô hình để chuyển giao kỹ thuật giúp thanh niên tìm được phương án sản xuất phù hợp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hái ra tiền nhờ trồng sương sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO