Giúp nông dân chăm sóc, quản lý bệnh hại trên cây cà phê

Văn Tâm| 29/01/2018 13:59

Đắk Nông là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 3 ở Tây Nguyên sau tỉnh Đắk Lăk, Lâm Đồng. Đây là cây trồng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cà phê vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm cà phê của tỉnh.

ADQuảng cáo

Nông dân thôn 7, xã Quảng Khê (Đắk Glong) chăm sóc cà phê

Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có trên 123.568 ha cà phê, tập trung ở các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Đắk Rlấp, Krông Nô… Trong đó, chủ yếu là diện tích cà phê đang trong giai đoạn cho thu hoạch, năng suất trung bình 22,9 tạ/ha. Trên 95% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc, quản lý với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất cà phê còn nhiều hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống của người sản xuất, kinh doanh cà phê còn khó khăn.

Gia đình ông Trần Văn Tuấn ở thôn 9, xã Đắk Lao (Đắk Mil) từ nhiều năm nay sống dựa vào vườn cà phê trên 2 ha. Theo ông Tuấn thì kỹ thuật canh tác luôn có vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhưng bản thân ông vẫn chưa áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Tuấn cho biết: “Mặc dù tôi có thời gian gắn bó với cây cà phê hơn 20 năm nhưng việc trồng, chăm sóc chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính.  Nhưng từ khi tham gia lớp tập huấn đầu bờ (FFS), việc canh tác cà phê của gia đình thay đổi rõ rệt”.

Cũng theo ông Tuấn, lâu nay, có không ít người có quan niệm, cà phê càng bón nhiều phân thì năng suất càng cao. Tuy nhiên, qua thực tế, nếu cách thức bón phân, sử dụng loại phân, số lượng phân không hợp lý sẽ dẫn đến cây cà phê bị bệnh cho những năm về sau. Hiện nay, ông đã biết sử dụng phân bón hợp lý, cân đối hơn.

ADQuảng cáo

Còn đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), qua điều tra của ngành Nông nghiệp, hàng năm, 100% số hộ trồng cà phê có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các loài sâu, bệnh hại chính như rệp sáp, mọt đục cành, bệnh gỉ sắt… Nhưng điều đáng nói là việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân còn tùy tiện về liều lượng, tâm lý phun đậm đặc để sâu bệnh chết nhanh còn nhiều.

Mới đây, Ban Quản lý VnSAT tỉnh Đắk Nông đã thực hiện phân tích tại các huyện, thị xã về tình hình sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại cho cà phê. Qua 385 mẫu thực hiện phân tích đánh giá cho thấy tỉ lệ nông dân hiểu đúng về vai trò của một số loại phân vô cơ chính đối với sinh trưởng và phát triển của cây cà phê còn thấp, chỉ đạt từ 20-27%. Số người không nhận biết việc thiếu dinh dưỡng thông qua quan sát biểu hiện ở lá còn cao, từ 55-87%. Tỉ lệ nông dân sử dụng thuốc BVTV theo 4 nguyên tắc: Đúng thuốc, đúng phương pháp, đúng thời điểm, đúng liều lượng còn hạn chế.

Để giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê theo hướng bền vững, từ năm 2015 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông đã ký các hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Dự án “Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai.

Các đơn vị ký kết với Dự án đã thực hiện nhiều chương trình như: Tổ chức các lớp tập huấn FFS về canh tác bền vững và thực hành tái canh cà phê; tập huấn về giám sát và quản lý bệnh, đào tạo nhân giống cà phê cho tư nhân và cán bộ; tập huấn cho nông dân nòng cốt (TOT) để hỗ trợ FFS thực hiện các lớp tập huấn về phân tích đất và chẩn đoán dinh dưỡng cho nông dân; đào tạo về tổ chức và quản lý HTX, tập huấn kỹ thuật cho kỹ thuật viên thuộc HTX.

Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị chuyên môn như Chi cục Trồng trọt - BVTV, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư đã thực hiện được ½ số lượng các lớp tập huấn FFS về canh tác bền vững và thực hành tái canh cà phê. Riêng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã hoàn thành các khóa đào tạo, tập huấn theo hợp đồng đã ký. Điều đáng mừng, sau các lớp FFS, 100% nông dân tham gia đều đánh giá rất dễ hiểu, bổ ích.

Nhiều người áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất và đã mang lại những kết quả tích cực như: Năng suất cà phê tăng trong khi số lần phun thuốc hóa học giảm, thiên địch được bảo vệ, dịch hại trong vườn cây được quản lý. Đồng thời, nhiều nông dân đã trở thành "chuyên gia" trên chính nương, rẫy của mình. Họ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều nông dân khác thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đạt được những kết quả tích cực trong canh tác cà phê bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp nông dân chăm sóc, quản lý bệnh hại trên cây cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO