Giảm nhẹ thiệt hại thông qua phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả

Võ Duy Phương| 04/12/2019 14:10

Tây Nguyên, đến đầu tháng 12, mực nước trên các sông suối hiện tại lại đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

ADQuảng cáo

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến vùng đất rộng lớn, màu mỡ và khí hậu thủy văn đặc thù, phù hợp cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng và phát triển có nguy cơ phải đối mặt với một mùa khô với nhiều tác động khắc nghiệt do biến đổi khí hậu thủy văn gây ra. Những dấu hiệu về hạn hán, thiếu nước, là mối quan tâm lớn nhất của người dân Tây Nguyên trong mùa khô hàng năm đang ngày càng rõ ràng hơn.

Theo quy luật, mùa khô hàng năm ở Tây Nguyên kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với đặc trưng thời tiết chủ yếu là khô, lạnh và có thể có sương giá ở một số nơi trong thời kỳ đầu mùa; nóng, khô cùng với sự xuất hiện của một vài đợt gió tây khô nóng hoặc một số trận dông nhiệt, có khi có mưa đá trong thời kỳ cuối mùa.

Tổng lượng mưa trong toàn mùa khô chỉ chiếm khoảng từ 5 - 15% tổng lượng mưa cả năm, trong đó chủ yếu là đóng góp lượng mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh hoặc bão muộn ở thời kỳ đầu mùa và dông nhiệt ở cuối mùa.

Thời kỳ ít mưa nhất kéo dài liên tục từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 3. Song song với những biến đổi về thời tiết, dòng chảy trong sông suối cũng có xu thế chung là giảm dần từ đầu mùa đến khoảng tháng 3, tháng 4 là thời điểm cạn kiệt nhất.

Khan hiếm nguồn nước thường xảy ra vào thời kỳ từ tháng 1 đến tháng 4 với tổng lượng dòng chảy 3 tháng nhỏ nhất chỉ đạt từ 3 - 6% tổng lượng dòng chảy năm. Trong thời kỳ này, một số sông suối nhỏ có thể trở nên cạn kiệt hoàn toàn.

Những năm gần đây một phần do mất rừng, nên khả năng giữ nước của các lưu vực giảm sút đáng kể. Phần khác do sông, suối bị ngăn lại làm nhiều tầng, đoạn nên số sông suối bị cạn kiệt hoàn toàn tăng mạnh.

ADQuảng cáo

Nhận định mùa khô năm 2019 – 2020 ở Tây Nguyên, theo các nhà khí tượng thủy văn cho rằng, tổng lượng mưa thời kỳ từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020, phổ biến ở mức thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khô, lạnh kéo dài khoảng từ giữa tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, trong đó một số nơi nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 10 độ, có nơi có sương giá. Đây cũng là thời kỳ ít mưa nhất.

Đến tháng 3 và 4, khả năng có mưa rào và dông nhưng lượng mưa chưa nhiều, đồng thời nắng nóng xảy ra ở nhiều nơi. Về mặt dòng chảy sông ngòi và lượng nước mặt được đánh giá là sẽ khan hiếm ngay từ đầu vụ. Tổng lượng dòng chảy trên các sông suối ở các vùng này trong toàn mùa cạn 2019 – 2020, thiếu hụt khoảng từ 10 – 30%, so với trung bình nhiều năm.  

Như vậy, điều kiện thời tiết thủy văn đang có những biến đổi theo chiều hướng ngày càng không thuận lợi. Do đó, để có được một vụ sản xuất đạt hiệu quả, giảm thiệu được những thiệt hại do thiên tai gây ra cần tranh thủ khi lượng dòng chảy sông ngòi còn tương đối để tích đủ lượng nước vào các hồ chứa theo khả năng trữ của hồ trước khi sông suối cạn kiệt. Khảo sát, đánh giá nguy cơ khô hạn và cạn kiệt cho các vùng và hiện trạng nguồn nước có thể khai thác để có đối sách hợp lý nếu nắng hạn kéo dài.

Việc mở rộng tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện nghiêm túc theo sự hướng dẫn chỉ đạo quy hoạch về diện tích, loại cây trồng ở mỗi vùng cần nhắc nhở mọi người dân luôn nêu cao ý thức tiết kiệm, san sẻ cùng cộng đồng trong việc khai thác sử dụng nguồn nước, đồng thời chủ động tự tìm nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của bản thân và gia đình rất cần được chú trọng.

Tây Nguyên đang bước vào một mùa khô hạn mới, mực nước trên các sông suối có dao động nhỏ theo xu thế giảm dần và kết hợp với gió nhiều làm cho mức độ khô hanh tăng lên khiến cho nguy cơ thiếu nước phục vụ cho sinh họat cũng như nước tưới cho các cây công – nông nghiệp trong mùa khô năm 2020.

Đặc biệt, thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 thường là thời kỳ khô và nắng nóng nhất trong năm, đồng thời cũng là thời kỳ người dân phát dọn nương rẩy, vào rừng săn bắn, tìm mật nên công tác phòng ngừa nguy cơ cháy rừng càng trở nên cấp thiết hơn.

Mặc dù, hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại do hạn hán gây ra thông qua việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước và các cảnh báo, dự báo hạn của cơ quan dự báo để kịp thời chỉ đạo phòng tránh và có chiến lược sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nhẹ thiệt hại thông qua phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO