Giải quyết “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công

THS. Nguyễn Công Điều| 27/11/2020 09:02

Mặc dù Đắk Nông đã ban hành nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân và có 3 lần điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu của UBND tỉnh đề ra là đạt tỷ lệ 60% trong 10 tháng và phấn đấu đạt 100% kế hoạch vốn cả năm 2020.

ADQuảng cáo

Nguyên nhân chưa đạt mục tiêu

Tính đến 20/11/2020, số liệu giải ngân vốn đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2015-2020) đạt 86%/kế hoạch vốn giao (KHV). Riêng KHV năm 2020, toàn tỉnh đã giải ngân đạt tỷ lệ 56,7% (trong đó vốn kế hoạch giao năm 2020 đạt 53,5% và kế hoạch vốn kéo dài năm 2019 chuyển sang năm 2020 đạt 79,4%), cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2019 (52%).

Ảnh minh họa

Nguyên nhân cơ bản, về khách quan, trong những tháng đầu năm do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Việc thực hiện cách ly xã hội đã có tác động lớn đến việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ theo đúng quy trình, thủ tục xây dựng cơ bản. Do đó đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thi công dự án, công trình do thiếu nhân lực, lao động, phương tiện, nguyên vật liệu… Mặt khác, việc chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công do giá trị đền bù chưa thỏa đáng và công tác di dời tái định cư các hộ dân trong vùng dự án còn nhiều vướng mắc đã tác động trực tiếp đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn trong năm. Một số nghị định thay thế có ảnh hưởng nhất định đến điều chỉnh kế hoạch vốn và thời gian thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ và bộ, ngành.

Về chủ quan, căn cứ quy trình, thủ tục quản lý chất lượng công trình tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và Thông tư số 26/2016/TT-BXD, tính từ lúc được giao kế hoạch vốn, các chủ đầu tư sẽ phải tiến hành rất nhiều trình tự, thủ tục có liên quan như: Tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công dự toán; thực hiện đầy đủ các quy trình về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, thực hiện ký kết hợp đồng; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn công, tổng hợp mẫu biểu số liệu, hồ sơ, chứng từ thanh toán… mất rất nhiều thời gian để có khối lượng thực tế giải ngân cuối cùng. Chính vì vậy, trong trường hợp các chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng… thì sẽ gặp khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện dự án và tiến hành giải ngân đúng tiến độ quy định.

Đối với kế hoạch vốn giao từ đầu năm được bố trí từ các nguồn xổ số kiến thiết và nguồn thu sử dụng đất…, thì tùy thuộc vào tiến độ thu mới có nguồn chi. Do đó, các chủ đầu tư được giao vốn từ nguồn này không chủ động được trong triển khai các bước thực hiện dự án. Trường hợp hụt nguồn thu hoặc nguồn thu tập trung vào thời điểm cuối năm thì không thể giải ngân kịp tiến độ.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, năng lực các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cũng còn hạn chế, thiếu quyết liệt trong xử lý vướng mắc, tồn tại, ngại va chạm, sợ trách nhiệm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho nhà thầu tiến hành thi công đúng quy định.

Xử lý “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đạt mục tiêu tỷ lệ 100%/KHV năm 2020 và các năm tiếp theo, các địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 và các Nghị quyết của Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư trung hạn và hàng năm. Đối với tỉnh Đắk Nông, ngoài việc tổ chức thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, bộ, ngành và Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 17/7/2020 của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, người đứng đầu các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, tích cực phối hợp tốt với nhà thầu, tổ chức tư vấn, các tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; nhanh chóng tập hợp hồ sơ đủ điều kiện tạm ứng để tiến hành tạm ứng cũng như khối lượng hoàn thành để tiến hành thanh toán hoặc thanh toán tạm ứng tại cơ quan kho bạc Nhà nước. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đạt 100% /KHV giao trong năm 2020 và trong giai đoạn tiếp theo.

Vào thời gian này trong năm, Đắk Nông đã chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, đây là thời điểm thuận lợi cho việc thi công các dự án, công trình, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, đã bố trí số lượng vốn lớn cần được nhanh chóng giải ngân. Do vậy, các sở chuyên môn của tỉnh phối hợp rà soát toàn bộ các dự án, công trình, hạng mục công trình chậm triển khai, tiến độ chưa đạt yêu cầu, kể cả việc phân bổ nguồn vốn… để tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh chỉ đạo, điều chuyển vốn kịp thời cho các dự án, công trình đang hấp thụ tốt nguồn vốn, bảo đảm giải phóng nhanh nguồn vốn “còn nằm chờ công trình”; đồng thời sớm đưa các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh vào sử dụng để phát huy tác động tích cực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với nguồn vốn từ nguồn xổ số kiến thiết và nguồn thu sử dụng đất, trong trường hợp nguồn thu chưa tập trung kịp hoặc thu không đạt dự toán, các sở chuyên môn kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh nguồn vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc có biện pháp tạm ứng, ứng trước các nguồn hợp pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, công trình đã bố trí kế hoạch trong năm, nhất là các dự án phục vụ an sinh xã hội.

Các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án khẩn trương tập trung hoàn thiện hồ sơ, khối lượng thanh toán ngay sau khi nghiệm thu công trình, hạng mục công trình (không đợi đến giai đoạn nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng mới thực hiện thanh toán) gửi cơ quan kho bạc Nhà nước để kịp thời thanh toán, nhằm tăng tỷ lệ giải ngân, tránh điều chuyển vốn không cần thiết, đồng thời nhằm tránh dồn ứ hồ sơ, chứng từ vào thời điểm cuối năm.

Để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán thực hiện các bước lựa chọn nhà thầu thi công dự án được kịp thời, ngoài các cơ chế, chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh cần căn cứ tình hình của địa phương hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn; sớm công bố định kỳ giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy, giá thuê máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng; ban hành đơn giá xây dựng công trình, phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương. Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO