Giải ngân vốn đầu tư phát triển ở Đắk Mil: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Nguyễn Lương| 31/07/2014 09:31

Tính đến giữa tháng 7/2014, huyện Đắk Mil mới chỉ giải ngân được trên 24 tỷ đồng, trong tổng số hơn 63 tỷ đồng tổng nguồn vốn đầu tư phát triển, đạt 37% kế hoạch. Tất cả nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực đều có tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch đề ra.

ADQuảng cáo

Theo Phòng Tài chính huyện thì trong tổng số hơn 63 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch, nguồn vốn thuộc ngân sách huyện là hơn 33,9 tỷ đồng, nhưng đến giữa tháng 7, địa phương mới chỉ giải ngân gần 10,9 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch giao.

Công trình nước sạch tại Trường tiểu học N’Trang Lơng, xã Đức Minh đang được nhà thầu triển khai xây dựng

Trong đó, một số nguồn vốn giải ngân chậm như nguồn thu tiền sử dụng đất, vốn thực hiện kiên cố hóa trường lớp học mầm non và nhà công vụ giáo viên. Thực tế, theo kế hoạch trong năm 2014, số vốn giải ngân từ tiền sử dụng đất là 8 tỷ đồng thì đến nay huyện mới giải ngân hơn 2 tỷ đồng (đạt 26%); còn vốn thực hiện kiên cố hóa trường lớp học mầm non, trong năm là 2,7 tỷ đồng, nhưng hiện tại, huyện chưa giải ngân được.

Ngoài những lĩnh vực trên, hiện tại, đối với một số chương trình, đề án thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương vẫn chưa thể triển khai được. Cụ thể, nguồn vốn giảm nghèo, trong năm 2014, địa phương có kế hoạch giải ngân gần 3 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có để giải ngân. Còn về nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, trong năm nay, huyện đăng ký trên 5,5 tỷ đồng, nhưng hiện nay, vẫn chưa có tiền để triển khai do UBND tỉnh đang điều chỉnh nguồn vốn này sang nguồn từ trái phiếu Chính phủ…

Lý do nguồn vốn đầu tư phát triển của huyện giải ngân không đạt kế hoạch một phần là do nguồn thu tiền sử dụng đất (thuộc ngân sách huyện) thấp, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân. Không chỉ vậy, đối với các công trình mở mới trên địa bàn, đến hết tháng 5/2014, vẫn chưa có hồ sơ và khối lượng thực hiện thanh toán tại Kho bạc Nhà nước huyện nên tiến độ giải ngân chậm.

ADQuảng cáo

Thực tế, hiện nay, các công trình mặc dù đã hoàn thành nhưng chưa được các chủ đầu tư quan tâm thường xuyên nên vẫn còn thiếu sót trong lập hồ sơ quyết toán. Chưa kể, một số trường hợp do chủ đầu tư để quá lâu nên thất lạc hồ sơ làm ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn chung của toàn huyện.

Ngoài ra, nguồn vốn do ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu giao từ đầu năm, hiện nay, vẫn đang chờ UBND tỉnh điều chỉnh lại quyết định giao dự toán và phụ thuộc vào mức rút số bổ sung dự toán cân đối ngân sách hàng tháng, quý cho ngân sách huyện, nên phần nào làm giảm tiến độ thực hiện giải ngân các nguồn vốn.

Theo bà Nguyễn Thị Ân, Trưởng Phòng Tài chính huyện Đắk Mil, để từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn trong năm nay, địa phương đã, đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung rà soát toàn bộ các dự án, nguồn vốn, để khởi công các công trình đủ thủ tục đầu tư, ưu tiên những công trình cấp thiết và giãn những công trình chưa thực sự cấp bách.

Địa phương sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, nghiệm thu, giám sát chất lượng công trình, điều chuyển vốn đối với những công trình chậm tiến độ không có lý do chính đáng sang những công trình thực hiện hiệu quả hơn.

Còn về phía chủ đầu tư, địa phương ra sức đôn đốc các đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện đầu tư theo đúng quy trình, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thiếu trách nhiệm kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, để dự án thi công kéo dài, tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí vốn.

Huyện sẽ thực hiện nghiêm túc các chế tài cần thiết đối với các đơn vị thi công, xây lắp và tư vấn, quyết tâm không để xảy ra tình trạng chậm tiến độ thực hiện với những lý do không chính đáng. Đối với các dự án, hạng mục công trình đã hoàn thành, các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nghiệm thu, quyết toán vốn để làm cơ sở bố trí dứt điểm vốn còn thiếu và hạn chế tối đa nợ xây dựng cơ bản dây dưa kéo dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn đầu tư phát triển ở Đắk Mil: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO